Tiết kiệm năng lượng từ các công trình xanh

Với việc có thể hạn chế được một phần phát thải khí nhà kính từ các công trình xây dựng, mô hình công trình xanh là một trong những giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong hoàn cảnh hiện nay.

Theo ông Đinh Chính Lợi - chuyên viên Bộ Xây dựng: Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng ở Việt Nam tương đối lớn. Đối với các công trình mới, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng (TKNL), lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ thì có thể tiết kiệm đến 30-40% năng lượng tiêu thụ so với các công trình khác. Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai các giải pháp TKNL thì hiệu quả cũng có thể tiết kiệm từ 15-25% năng lượng tiêu thụ.

Trung tâm thương mại Vincom (Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những công trình xanh ở Việt Nam 

Hiện nay, trong các đối tượng sử dụng năng lượng, tòa nhà là một trong những đối tượng tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Tuy nhiên, khác với các tòa nhà truyền thống, tòa nhà công trình xanh có tác dụng giúp bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên trong suốt vòng đời của chúng. Công trình xanh được thiết kế để giảm thiểu những tác động nói chung của môi trường xây dựng đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua việc sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác; Bảo vệ sức khỏe người sử dụng công trình và nâng cao năng suất lao động; Giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.

Trên thế giới, nhiều công trình xanh khi đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả TKNL rất lớn như “Làng thẳng đứng” bằng năng lượng mặt trời ở Dubai, Tổ hợp kiến trúc One & Ortakoy, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ… Theo ông Yannick Millet, Giám đốc điều hành Hội đồng công trình xanh Việt Nam - VGBC: Công trình xanh có thể tiết kiệm trung bình 30% điện; 35% cacbon; 30-50% nước; 50-90% chi phí xả thải.

Tuy nhiên, cũng theo ông Yannick Millet: Việc phát triển các công trình xanh ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều rào cản do chiến lược đầu tư ngắn hạn của các chủ đầu tư, sự thiếu năng lực của các bên liên quan, thiếu chính sách khuyến khích từ Chính phủ, thiếu các sản phẩm được công nhận là “sản phẩm xanh”… Do đó, để có một cơ chế thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống công trình xanh, theo các chuyên gia: Việt Nam nên có các ưu đãi ban đầu cho sử dụng thiết bị tiết kiệm điện như giảm giá bán, hỗ trợ lắp đặt, hoàn một phần tiền mua sản phẩm… Ở lĩnh vực xây dựng, các tiêu chuẩn phải đề cao yếu tố hiệu quả thông qua các quy định và hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn cho hệ thống chiếu sáng trong và ngoài công trình, thiết bị thông gió, vật liệu cách nhiệt… Nên phân biệt các tiêu chuẩn áp dụng trong công trình xây dựng dân dụng và văn phòng, khu thương mại, đồng thời tiêu chuẩn cũng cần phân chia cho phù hợp với từng vùng địa lý có điều kiện tự nhiên và khí hậu khác nhau. Ngoài ra, cần xây dựng mô hình thí điểm cho công trình xây mới hoàn toàn để đối chứng với các công trình hiện có sẵn.

Để hỗ trợ cho việc xây dựng hệ thống công trình xanh ở Việt Nam, VGBC đã và đang tổ chức các hoạt động như: Tổ chức hội thảo/hội nghị nhằm nâng cao nhận thức cho các bên liên quan; Thực hiện chương trình đào tạo của VGBC để xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân thông qua: Khóa đào tạo cơ bản về công trình xanh; Khóa đào tạo và hệ thống thi chứng chỉ chuyên gia LOTUS (một hệ thống quy định tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh)… Hiện nay, một số dự án công trình xanh đang được triển khai ở Việt Nam dưới sự hỗ trợ của VGBC là: Tòa nhà xanh một Liên hiệp quốc – Hà Nội; Nhà máy Việt Nam - Mộc Bài - Tây Ninh; Nhà máy Gyproc Hải Phòng.

 


  • 17/11/2011 05:58
  • Theo Báo Kinh tế Việt Nam
  • 3692


Gửi nhận xét