Triển khai điện mặt trời áp mái tại TP HCM: Lợi cả đôi đường

Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực, việc phát triển năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) là giải pháp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư, vừa góp phần giảm sức ép cho ngành Điện.

Hệ thống điện mặt trời áp mái của Trung tâm Dịch vụ - Đậu xe Tiên Tiến - Ảnh: congthuong.vn.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) cho biết, tính đến hết tháng 9/2020, thành phố đã có 10.022 hệ thống ĐMTAM với tổng công suất 145,01MWp.

Việc ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp các hộ gia đình, doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ khí hậu và sức khỏe cộng đồng.

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của TP HCM hưởng ứng chủ trương phát triển ĐMTAM, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng và Thương mại Tiên Tiến - cho biết, ngay sau khi Chính phủ có chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư tham gia lắp đặt hệ thống ĐMTAM, Công ty đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời với độ che phủ 70% mái nhà của Trung tâm Dịch vụ - Đậu xe Tiên Tiến, công suất lắp đặt 1,4MWp.

Mỗi tháng, sản lượng điện dư thừa được phát lên lưới khoảng 100.000kWh, mang lại nguồn thu gần 400 triệu đồng/tháng cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, lợi ích từ hệ thống ĐMTAM mang lại cho doanh nghiệp rất lớn. Là đơn vị kinh doanh dịch vụ, giá điện mà Công ty này phải mua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ 3.000 – 3.200 đồng/kWh, phụ thuộc vào giờ cao điểm hay thấp điểm. Việc chủ động nguồn cung cấp điện đã giúp Công ty giảm chi phí đầu vào, có điều kiện để hỗ trợ, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng thông qua các chương trình khuyến mại, tặng quà… Ước tính, chỉ cần 3 - 3,5 năm là doanh nghiệp có thể thu hồi vốn đầu tư.

Từ hiệu quả của dự án ĐMTAM tại Trung tâm Dịch vụ - Đậu xe Tiên Tiến, công ty đã tiếp tục đầu tư hai nhà máy sản xuất chế biến gỗ ở Bình Dương với công suất lắp đặt 3MW và tại Nhà máy Cơ khí Hóc Môn 2MW. "Với mức giá mua điện của EVN hiện nay, Công ty chỉ cần 5 năm sẽ thu hồi lại vốn đầu tư" - ông Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.

Không chỉ bán được lượng điện dư thừa cho ngành Điện, nhờ có nguồn điện tự sản xuất, ước tính, mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ - Đậu xe Tiên Tiến còn tiết kiệm được khoảng 40 triệu đồng tiền điện để vận hành hệ thống xử lý nước thải có công suất 250m3 của khu vực rửa xe trong trung tâm và tiết kiệm hơn 180 triệu đồng tiền nước nhờ tái sử dụng nguồn nước thải sau khi xử lý. 

Đến nay, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo của TP HCM đạt khoảng 2% trên tổng công suất sử dụng của thành phố. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện năng lượng mặt trời, phấn đấu đạt kế hoạch chỉ tiêu tiết kiệm điện năm 2020.

Link gốc


  • 13/10/2020 02:03
  • Nguồn: congthuong.vn
  • 908