Triển lãm Năng lượng sinh khối, hướng tới tương lai xanh là hoạt động diễn ra bên lề Hội chợ Triển lãm Quốc tế lần thứ 7 Công nghệ sản phẩm Tiết kiệm năng lượng & Năng lượng xanh (Enertec Expo 2018). Triển lãm giới thiệu gần 20 tấm ảnh là những câu chuyện chân thực về những cá nhân và tổ chức từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đang nỗ lực đưa nguồn điện sạch vào sản xuất và cuộc sống, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững và hướng tới một tương lai xanh cho Việt Nam.
Những nghiên cứu khoa học gần đây đã cho thấy tính đến cuối năm 2014, Việt Nam vốn đã có thể khai thác khoảng 20,67 triệu tấn phụ phẩm gỗ và 52,91 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp (chủ yếu là trấu, rơm và bã mía). Năng lượng sinh khối, với tiềm năng sử dụng hàng chục triệu tấn phụ phẩm trong nông nghiệp như bã mía, trấu, rơm và gỗ, đang có vai trò quan trọng trong sản xuất điện sạch, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Theo ông Ingmar Stelter, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công thương/GIZ, dưới sự ủy quyền của Chính phủ Đức, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã luôn đồng hành hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới một tương lai năng lượng sạch và bền vững hơn.
"Trong bối cảnh hiện nay, có 3 cơ hội để chúng ta khai thác sản xuất năng lượng sinh khối. Đầu tiên đó là các nguồn sinh khối sẵn có, bao gồm chất thải/phụ phẩm sinh khối có thể sử dụng dễ dàng. Chúng ta có thể sản xuất năng lượng sạch và tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính cũng như giảm ô nhiễm môi trường tại địa phương. Về cơ hội thứ ba, chúng tôi tin rằng đầu tư vào công nghệ sản xuất năng lượng sinh khối cũng góp phần phát triển chính bản thân ngành nông nghiệp”, ông Ingmar Stelter cho biết.