Năm 2014, lượng ô tô chạy điện đăng ký mới tại Trung Quốc đạt khoảng 75.000 chiếc và trong năm 2015 vừa qua ước tính cao hơn (chưa có thống kê chính thức).
Các thành phố lớn của nước này một mặt đặc biệt khuyến khích người dân mua xe xanh; mặt khác, kiểm soát chặt chẽ xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống, do đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Một số nơi thậm chí phải sử dụng giải pháp quay số để hạn chế lượng xe cá nhân đăng ký mới và quy định ngày chẵn-biển chẵn, ngày lẻ biển lẻ.
|
Hệ thống trạm sạc phục vụ xe ô tô chạy điện ở Ga đường sắt phía Tây Bắc Kinh - Ảnh: Xinhua. |
Tuy nhiên, các quy định giới hạn này không áp dụng với ô tô chạy điện; và các nhà sản xuất ô tô trong nước đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tung ra các mẫu xe điện cỡ nhỏ, giá rẻ.
Những quy định về khí thải của Trung Quốc thậm chí sẽ còn chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Một lãnh đạo của Honda gần đây thậm chí dự đoán đến năm 2025, công ty sẽ không thể bán được chiếc xe nào tại Trung Quốc nếu không điện hoá ít nhất là một vài sản phẩm.
Một ví dụ, anh Zhong Xuwei ở Bắc Kinh, sau hai năm kiên nhẫn rút thăm mà vẫn không trúng số may mắn để được nhận giấy phép đăng ký xe mà không được đã chuyển hướng sang mua xe chạy điện. Anh cho biết, mua loại xe này có nhiều cái lợi. Trước tiên là không cần tham gia quay số theo quy định hạn ngạch đăng ký xe mới. Kế đến là không thuộc diện phải chạy theo ngày chẵn-ngày lẻ.
Và một yếu tố quan trọng nữa là được chính phủ trợ giá nhiều - ở một số thành phố thậm chí lên tới mức 16.000 EUR. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ những xe sản xuất tại Trung Quốc mới được hưởng chính sách trợ giá dành cho xe chạy điện (EV); và đây chính là động lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất xe nhỏ giá rẻ trong nước, như Chery, Geely, Juanghuai. Hiện nay, 70% xe chạy điện tại Trung Quốc có giá dưới 8.300 EUR.
Các hãng xe ngoại cũng đang hướng đến Trung Quốc như một thị trường tiêu thụ EV đầy tiềm năng, bởi mục tiêu của nước này là nâng lượng tiêu thụ xe xanh lên mức 1 triệu chiếc vào năm 2020 và 3 triệu chiếc vào năm 2025.
Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được nếu mạng lưới cột sạc điện có độ phủ rộng tương ứng. Một đại lý Venucia ở Bắc Kinh - thương hiệu liên doanh giữa Nissan và Dongfeng tại Trung Quốc - cho biết ngày càng có nhiều khách hàng đề nghị công ty lắp đặt trạm sạc ở khu họ sống, cho thấy nhu cầu tiêu thụ xe chạy điện đang tăng.
Với chức năng sạc nhanh, việc sạc điện khẩn cấp cho EV chỉ lâu hơn thời gian đổ xăng cho ô tô truyền thống một chút; người dùng sẽ không thấy phiền phức gì. Chính phủ Trung Quốc đã duyệt vốn đầu tư 16 tỷ EUR để dựng các cột sạc mới cho xe chạy điện.
Liệu Trung Quốc có thể sở hữu mạng lưới trạm sạc nhanh lớn nhất thế giới? Liệu bầu không quyển ở nước này có trong sạch hơn nếu xe xanh thay thế ô tô truyền thống? Liệu Trung Quốc có thể trở thành thị trường xe xanh lớn nhất thế giới? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Tuy nhiên, ít nhất, họ đã và vẫn đang nỗ lực, bằng nhiều cách; và điều đó đáng khích lệ.