Riêng đối với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, địa phương có 15 KCN với nhiều doanh nghiệp công nghiệp nặng, tiêu tốn nhiều điện năng thì việc tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện là việc làm cấp bách.
Theo Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh hình thành một số KCN như: Phú Mỹ 3, KCN Đô thị Châu Đức, KCN Đá Bạc và các cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, đồng thời tại một số KCN như Phú Mỹ 1, Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân B1… có nhiều DN thép mở rộng sản xuất như China Seel, Fuco, Vinakyoei, Posco SS Vina nên lượng điện tiêu thụ tăng cao.
Dự kiến, tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm 2016 hơn 5,2 tỷ kWh, trong đó phụ tải 22 kV hơn 3 tỷ kWh, tăng 8,5%; phụ tải 110 kV khoảng 2,2 tỷ kWh, tăng 28,9%. Do đó, việc đề ra các giải pháp nhằm tăng cường tiết kiệm điện khi nguồn năng lượng này đang có biểu hiện mất cân đối, thiếu hụt là cấp bách.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm
|
Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết thời gian qua những DN sử dụng nhiều năng lượng đã xây dựng chiến lược tiết kiệm điện, qua đó giảm được chi phí sản xuất, giúp DN tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài đầu tư đổi mới công nghệ, các DN còn áp dụng quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị trong dây chuyền sản xuất để chống tổn thất điện năng, bố trí quy trình sử dụng điện hợp lý, khoa học, thay thế các thiết bị tiêu hao lượng điện năng ít hơn.
Cách làm này được triển khai tại một số DN cho thấy hiệu quả rõ rệt, như tại Nhà máy nhựa và hóa chất Phú Mỹ (huyện Tân Thành) thay đổi toàn bộ đèn loại 250 W thành đèn compact 80 W, đồng thời lắp biến tần cho các loại bơm, quạt… Với giải pháp này, mỗi năm DN tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng tiền điện.
Một số DN khác như Công ty CP May Xuất khẩu Vũng Tàu, KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu), mỗi tháng tiết kiệm được 30-40% sản lượng điện tiêu thụ so với trước đây do thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng đèn compact, đèn Led, đổi mới toàn bộ máy may điện tử theo dạng cơ động, gắn thiết bị tiết kiệm điện vào tất cả các máy may; Nhà máy thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành) mỗi năm tiết kiệm được 70 triệu kWh điện nhờ đầu tư công nghệ mới của châu Âu vào dây chuyền sản xuất thép...
Hay tại Công ty CP Giấy Sài Gòn - Mỹ Xuân (KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành) cũng đã có những giải pháp để tiết kiệm năng lượng cho từng khâu sản xuất. Ông Phạm Minh Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn - Mỹ Xuân cho biết, Công ty đã xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng lồng ghép vào hệ thống quản lý chất lượng ISO50001; đồng thời vận hành các thiết bị công suất lớn vào giờ thấp điểm. Mặt khác, Công ty cũng từng bước đầu tư, thay thế các thiết bị ít tiêu tốn lượng điện hơn, tiết kiệm được hơn 10% chi phí mỗi năm.
Theo Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh hiện có 81 DN, cơ sở có mức tiêu thụ điện năng lớn. Thời gian qua, Sở Công Thương đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý, vận hành hệ thống năng lượng trong các DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn, trong đó tập trung hướng dẫn quy định đối với DN sản xuất công nghiệp theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giới thiệu hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001, quy trình thực hiện kiểm toán năng lượng; giải pháp và công nghệ mới về hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm trong ngành công nghiệp.
Ngoài ra, qua công tác kiểm tra hàng năm đối với các DN sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm của các cơ quan chức năng cho thấy, hầu hết các DN đã chủ động áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất như: Đầu tư đổi mới công nghệ tiêu tốn ít điện năng, hạn chế sản xuất vào giờ cao điểm, thay thế bóng đèn tiết kiệm (đèn sợi đốt bằng đèn compact, đèn huỳnh quang bằng đèn Led)...