Mùa hè đang đến gần và người dân những quốc gia như Ấn Độ đang ngày càng có nhu cầu cao cho các sản phẩm kem.
Tuy nhiên, có vẻ thị trường kem ở đây quá nóng mà hiện nay 2 hãng kem lớn nhất Ấn Độ là Hindustan Unilever (HUL) và Amul đang kiện nhau ra tòa về nguyên liệu sử dụng như thế nào thì mới được gọi là kem.
Vào năm 2011, Hiệp hội tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) quyết định người dân nước này cần được biết họ đang ăn cái gì trong những ngày hè oi bức. Cụ thể, FSSAI quy định chỉ những sản phẩm được làm từ sữa mới được gọi là “kem” (Ice Cream), còn các sản phẩm được làm từ dầu thực vật, dầu cọ trộn sữa bột thì chỉ được phép gọi là “món lạnh” (Frozen Dessert).
Quyết định này của FSSAU ảnh hưởng trực tiếp đến dòng kem Kwality Wall của HUL và khiến công ty chịu thiệt hại nặng cả về doanh số lẫn hình ảnh.
Vào tháng 3/2017 mới đây, đối thủ Amul quyết định gợi nhớ lại vụ bê bối này với chiến dịch quảng cáo “Sữa thật, kem thật” (Real Milk, real Ice Cream) và nhắc đến những dòng sản phẩm không được nêu tên vốn sử dụng những nguyên liệu kém chất lượng, rẻ tiền và có hại cho sức khỏe.
Ngay lập tức, hãng HUL cùng hàng loạt công ty kem tại Ấn Độ như Vadilal đã khởi kiện công ty mẹ của Amul là Gujarat Cooperative Milk Marketing Federation ra tòa, với lý do cố tình bôi nhọ hình ảnh sản phẩm “món lạnh” của họ.
Đánh nhau chỉ vì 1 que kem
Mỗi khi mùa hè đến, thị trường kem tại Ấn Độ lại trở nên sôi sục hơn bao giờ hết khi nhu cầu bùng nổ. Thị trường kem tại đây ước tính đạt 619 triệu USD và có hơn 1.000 nhà sản xuất các loại từ kem hoa quả cho đến kem thường.
Thương hiệu Amul, một trong những nhà sản xuất các sản phẩm liên quan đến sữa lớn nhất thế giới đang thống trị thị trường kem Ấn Độ với 32% thị phần. Kết thúc năm tài khóa tính đến cuối tháng 3/2017, doanh thu của hãng đạt gần 4,2 triệu USD.
Đây có lẽ là lý do khiến cuộc chiến thị trường kem lại khốc liệt như vậy ở Ấn Độ.
Thông thường, các nhà sản xuất thường dùng dầu thực vật trộn với sữa bột để sản xuất sản phẩm nhằm tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, quyết định năm 2011 của FSSAI cho thấy sữa truyền thống có hàm lượng dinh dưỡng tốt hơn cho người tiêu dùng và điều này khiến khách hàng hướng đến những sản phẩm có chất lượng cao hơn.
Trong chiến dịch quảng cáo của mình, Amul nhắc đến việc các hãng kem khác sử dụng dầu cọ rẻ tiền (Vanaspati), một loại nguyên liệu nhiều chất béo và không tốt cho sức khỏe để làm nguyên liệu. Điều này thực sự khiến các hãng đối thủ nổi điên.
Theo HUL, hãng không hề sử dụng Vanaspati mà sử dụng dầu thực vật thông thường ít chất béo cũng như không có Cholesterol.
Theo các chuyên gia, việc gọi là “kem” hay “món lạnh” không quan trọng với những nhà sản xuất mà chính khái niệm dùng Vanaspati hay dầu thực vật thường đang hủy hoại hình ảnh của các hãng kem ghê gớm. Đây được coi là một chiêu quảng cáo bôi nhọ hình ảnh đối thủ, nhằm vào nỗi sợ của khách hàng mà nhiều công ty trên thế giới đã từng sử dụng.