1. Tận dụng hiệu ứng Chameleon
Brian Scudamore - nhà sáng lập đồng thời là CEO của công ty thu gom rác nổi tiếng 1-800-GOT-JUNK? cho hay: "Mỗi khi mất tập trung, tôi thường tìm một chiếc bàn trống và ngồi bên cạnh một nhân viên mà mình không quen đang chú tâm làm việc". Phương pháp này giúp ông lấy lại tinh thần bởi 3 lý do:
- Bắt chước sự tập trung của người khác: Hiệu ứng Chameleon chỉ ra rằng, chúng ta thường bắt chước một cách vô thức điệu bộ, nét mặt, hành vi của những người xung quanh mình.
- Muốn trở thành hình mẫu tốt: Chúng ta thường có xu hướng cố gắng làm hài lòng những người mà mình không quen hơn lúc ở cạnh người thân. Với tư cách là người lãnh đạo của một tổ chức, Brian cảm thấy mình phải tập trung nhiều hơn mỗi khi ngồi bên ai đó không quen biết.
- Thay đổi hành vi hàng ngày: Nghiên cứu gần đây của hai giáo sư tâm lý, khoa học thần kinh Wendy Wood và James B.Duke đã chỉ ra rằng, có nhiều hành vi chúng ta hay lặp đi lặp lại là do ảnh hưởng của môi trường hàng ngày. Vì vậy, việc thay đổi chỗ ngồi sẽ giúp thay đổi hành vi của bạn.
Thậm chí nếu công ty không có nhiều nhân viên thì bạn vẫn có thể tìm ai đó thích hợp để ngồi gần như quán cà phê, nơi công cộng...
2. Tìm bạn đồng hành
Ngược lại với Brian, Aaron Steed - CEO của công ty Meathead Movers lại thích cách tương tác trực tiếp với mọi người hơn. Vị CEO 35 tuổi này tiết lộ mình có thói quen hay cắn móng tay mỗi khi gặp vấn đề cần suy nghĩ, đến mức phải giấu hai tay dưới bàn trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp.
Có lần, Aaron Steed vô tình phát hiện ra cô thợ làm móng cho mình cũng mắc thói quen tương tự và ông chợt nảy ra ý tưởng: "Làm thế nào để cả hai ngừng cắn móng tay?". Aaron đặt ra thỏa thuận:
- Nếu tôi lại cắn móng tay, tôi sẽ trả gấp đôi vào lần làm móng tới.
- Nếu cô ấy cắn móng tay, tôi sẽ được làm móng miễn phí.
- Nếu cả hai chúng tôi cùng thắng hoặc cùng thua, mức giá sẽ bình thường như mọi lần.
"Và sau ba tháng, tôi vẫn chưa phải trả tiền làm móng nào", Aaron vui vẻ nói. Hãy thử tìm một ai đó có hoàn cảnh giống bạn và tạo động lực để cùng nhau vượt qua khó khăn.
3. Lên kế hoạch cho công việc mà bạn biết sẽ trì hoãn
Đây là cách mà Rohit Anabheri - nhà sáng lập của Circa Ventures sử dụng mỗi khi ông mất động lực làm việc: "Tôi có thể kể những việc mình sẽ trì hoãn trước khi điều đó xảy ra. Bạn cũng thế".
Cách nhận biết rõ nhất khi bạn muốn trì hoãn công việc là cảm giác miễn cưỡng mỗi khi nghĩ đến chúng. Những lúc như thế, thay vì chờ đợi mọi thứ diễn ra, Rohit ngay lập tức sẽ lập một kế hoạch chi tiết, trong đó ghi rõ:
- Mình sẽ làm gì và trong bao lâu. Thay vì viết: "làm XYZ" thì bạn nên phân ra thời gian cụ thể: "làm XYZ trong 1 giờ" hoặc "hoàn thành ABC". Thời gian càng rõ ràng thì bạn càng nhanh chóng làm xong nhiệm vụ.
- Làm khi nào và ở đâu. Thay vì hy vọng sẽ có đủ thời gian làm việc thì bạn nên chủ động phân bổ thời gian sao cho hợp lý. Loại kế hoạch này có tên là kế hoạch nếu-thì trong giới học thuật, giúp tăng tỷ lệ thành công một cách đáng kinh ngạc.
4. Tìm lại nguồn cảm hứng ban đầu
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bạn sẽ hạnh phúc hơn khi làm việc có mục đích. Do đó, mỗi khi chán nản, Doug Conant thường ngưng hẳn công việc đang làm và dành ra 5 phút để nghĩ về mục tiêu cuộc đời, nhớ lại những thứ từng truyền cảm hứng cho mình nhiều nhất.
Cựu CEO của Fortune 500, Campbell Soup và hiện là nhà sáng lập, giám đốc điều hành của Conant Leadership chia sẻ, mục tiêu của ông là xây dựng thành công những tổ chức hàng đầu thế giới, bất chấp mọi khó khăn và sóng gió trên thương trường.
"Công việc này đã phát triển tôi theo hướng độc đáo và mang đậm chất cá nhân, một phần cũng nhờ việc tôi luôn trả lời những câu hỏi:
- Tại sao bạn lại muốn trở thành người dẫn đầu?
- Ai là người truyền cảm hứng cho bạn nhiều nhất?
- Phẩm chất nào của họ khiến bạn ngưỡng mộ nhất?
- Tại sao sự tận tụy hết mình với công việc lại có giá trị hơn mọi phẩm chất khác?
Nếu làm công việc mình thích, bạn sẽ luôn tràn đầy sinh lực ngay cả lúc đối mặt với khó khăn. Đây thường là dấu hiệu nhận biết một nhà lãnh đạo tuyệt vời trong số những người tầm thường khác", ông nói.
5. Dành thời gian suy nghĩ ở nơi khơi dậy tính sáng tạo
Ryan Simonetti - đồng sáng lập Convene cho biết, mỗi tuần ông thường dành 90 phút riêng tư để nghĩ về kế hoạch cuộc đời và chiến lược kinh doanh, đồng thời xem xét kỹ những nhiệm vụ quan trọng mà bản thân đang muốn né tránh.
Đặc biệt, việc tổ chức những cuộc họp cá nhân với từng thành viên trong nhóm cũng là một cách để bản thân rèn luyện khả năng lãnh đạo. Ví dụ, hàng tuần ông mở ra những cuộc họp riêng với mỗi người trong ban lãnh đạo trong công ty, điều này luôn có ý nghĩa rất quan trọng.
Giống như cách Steve Jobs tổ chức nhiều buổi họp trong khi đi bộ để giúp nhân viên khơi dậy sức sáng tạo, Ryan cũng lựa chọn một nơi quen thuộc để dễ tập trung và nghĩ ra những ý tưởng mới. Mỗi lần như vậy, ông thường tự đặt ra hai câu hỏi:
- Để đạt được mục tiêu cá nhân (hoặc công ty), điều quan trọng nhất mà tôi phải làm trong tuần này là gì?
- Tại sao nó lại quan trọng?
Với câu trả lời thuyết phục cho hai câu hỏi trên, ông luôn cảm thấy hào hứng và sẵn sàng cho tuần làm việc mới.
6. Đi bộ 15 phút mỗi ngày để đầu óc minh mẫn
Sevetri Wilson thường dành 15 phút đi bộ mỗi ngày từ chỗ làm để đầu óc được minh mẫn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc đi dạo, đặc biệt là ở những nơi gần gũi với thiên nhiên sẽ giúp não bộ trở nên linh hoạt, loại bỏ bớt những tác nhân gây xao nhãng và từ đó giúp đầu óc trở nên thư thái.
Hơn thế nữa, một không gian mở cũng giúp tăng khả năng sáng tạo trong bạn, trả lời được những câu hỏi "tại sao", nghĩ về những mục tiêu lớn và tập trung vào các vấn đề tuy không khẩn cấp nhưng đặc biệt quan trọng.
7. Tập thể dục trước khi đưa ra quyết định khó khăn
Kay Koplovitz - nhà sáng lập USA Network và Syfy cho biết, khi đứng trước một quyết định khó khăn, bà thường đi tập gym khoảng 30 phút để tăng nhịp tim và lấy lại năng lượng. Thói quen này đặc biệt hiệu quả khi bạn phải đối mặt những vấn đề đòi hỏi sự tỉnh táo tuyệt đối.
Một nghiên cứu năm 2006 đã chỉ ra rằng chế độ tập luyện phù hợp có ảnh hưởng tích cực đến sức mạnh ý chí.
8. Tự tạo ra giá trị cốt lõi của bản thân
Cameron Herold - tác giả cuốn Double Double cho rằng, bí quyết tạo ra động lực hiệu quả nhất là hãy tự xây dựng giá trị cốt lõi của bản thân, vì đó là thứ bạn dùng để chia sẻ với mọi người và cũng là cách giúp người khác "nhận diện" được bạn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, bạn sẽ trở nên hăng hái hơn khi kết nối thành công hình ảnh cá nhân với giá trị cốt lõi của mình, khi bạn hành động một cách thống nhất với "cái tôi" của bạn. Có hai cách để giúp bạn làm được điều đó:
- Phát huy giá trị cốt lõi của bản thân trước mọi người. Bằng cách thông báo với người khác tầm quan trọng của việc theo đuổi đến cùng, sẽ buộc bạn phải cố gắng hết sức để hoàn thành nó.
- Hoàn thành tốt công việc. Nhà nghiên cứu về thói quen của Đại học Stanford, BJ Fogg đã chỉ ra rằng, mọi hành động, cử chỉ đều góp phần tạo nên bản sắc của bạn ngay từ những hành động rất nhỏ. Bạn chỉ đạt được thành công nếu đã nỗ lực hoàn thành công việc mà mình đã cam kết.
9. Nghĩ đến tình huống xấu nhất
Benji Rabhan - nhà sáng lập AppointmentCore cho biết, mỗi lần nhận được nhiệm vụ mình không hứng thú, ông thường dành ra 2 đến 5 phút để trả lời những câu hỏi sau:
- Nhiệm vụ này có ý nghĩa gì đối với công việc chung?
- Chúng có ảnh hưởng như thế nào đến khách hàng, những người khác, cũng như các công việc liên quan?
- Làm thế nào để nhiệm vụ này phục vụ cho những kế hoạch táo bạo của mình?
- Trong trường hợp xấu nhất nếu như mình không hoàn thành công việc (đối với những nhiệm vụ đặc biệt "nhạy cảm") thì chuyện gì sẽ xảy ra?. Ví dụ như, kéo công ty "đi xuống", thành viên trong nhóm bỏ đi hay mất một khách hàng thân thiết...
Bằng cách này, bạn sẽ ngay lập tức nhìn thấy quyết định sắp tới của mình mang lại kết quả tích cực hay tiêu cực theo thời gian, từ đó lấy lại động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
10. Ưu tiên giải quyết công việc phức tạp trước
Trái ngược với những cách quản lý thời gian quen thuộc, Jason Duff - nhà sáng lập, CEO của COMSTOR Outdoor cho biết, ông thường dành một giờ đầu tiên trong ngày để giải quyết những công việc tốn nhiều thời gian nhất (chứ không phải công việc quan trọng nhất).
Ông làm điều này vào mỗi sáng bởi vì đây là thời điểm sức mạnh ý chí lên cao nhất trong ngày. "Với mỗi nhiệm vụ, tôi buộc bản thân mình phải lựa chọn, hoặc là bỏ nó, hoàn thành nó hay giao lại cho người khác", Jason nói. Sau khi hoàn tất những công việc tốn nhiều năng lượng, ông mới chuyển sang những nhiệm vụ quan trọng hơn.
Đây được gọi là hiệu ứng Zeiganrnik, tức là khi đầu óc chúng ta tiếp nhận quá nhiều thông tin, cũng là lúc khả năng xử lý của não bộ sẽ bớt linh hoạt. Bằng cách chọn giải quyết những nhiệm vụ phức tạp nhất, Jason cho rằng mình sẽ có thời gian hoàn thành tốt những mục tiêu quan trọng hơn trong ngày.