20 năm đường dây 500 kV mạch 1: Chuyện bây giờ mới kể (Kỳ 2)

Khi đường dây 500 kV đang đặt lên bàn cân Quốc hội thì xuất hiện lá thư của một giáo sư người Việt đang làm việc tại Nhật gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho rằng việc xây dựng đường dây 500 kV là không tưởng và không bao giờ thành công vì độ dài của đường dây vướng phải 1/4 bước sóng. Tranh cãi trong nghị trường chính thức dậy sóng...

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trái) cùng Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải nâng ly sâm banh chúc mừng lễ khởi công đường dây 500 kV - Ảnh: Tư liệu gia đình ông Vũ Ngọc Hải

Kỳ 2: Từ nghị trường đến hiện trường

Lá thư từ Nhật Bản

Có ba vấn đề lớn trong xây dựng đường dây 500 kV mà những người trong cuộc cùng lúc phải giải quyết là: Kinh tế - kỹ thuật và tiến độ thi công. Ở tuổi 83, ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng vẫn nhớ như in ngày phải thuyết trình trước Quốc hội về đường dây 500 kV. Ông thừa nhận thật may mắn cho việc xây dựng đường dây 500 kV lúc đó vì công trình lớn chưa phải trình Quốc hội thông qua như bây giờ.

“Tôi là người bị chất vấn nhiều nhất. Mọi khúc mắc về kỹ thuật đa số tôi trả lời ngay tại nghị trường. Rất nhiều ý kiến ủng hộ có, phản đối có. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và công nghệ của Quốc hội khi đó phản ứng kịch liệt không cho thi công, còn những người hiểu biết như Giáo sư Nguyễn Đình Tứ rất ủng hộ. Bên quân đội và công an lo lắng về độ an toàn và cũng không có ý kiến gì. Họ lưu ý không nên kéo dây qua hướng Đắk Min (Đắk Lắk) vì gần biên giới, tôi tiếp thu ngay” - ông Hải nhớ lại.

Quốc hội họp chưa xong thì thình lình xuất hiện lá thư của một giáo sư đang giảng dạy tại Nhật Bản gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước phản biện vấn đề xây dựng đường dây. Nội dung lá thư, theo ông Hải nhớ lại, vị giáo sư này cho rằng việc xây dựng đường dây vướng phải một nguyên tắc cơ bản trong ngành điện tối kỵ đó là “bước sóng”. Ông Hải giải thích mỗi bước sóng điện từ tương ứng 6.000 km, trong khi độ dài của đường dây dự định làm là 1.500 km đúng bằng 1/4 bước sóng. Sóng điện từ có hình sin, và 1/4 bước sóng đúng ngay đỉnh của hình sin. Nghĩa là nếu điện từ ở Hà Nội đang ở mức cực tiểu thì khi vào đến TP HCM sẽ vọt lên cực đại và ngược lại, nếu ở Hà Nội cực đại thì vào TP HCM có thể bằng không. Điều này dẫn đến tình trạng điện áp không ổn định và khi ấy không còn là 500 kV mà có thể vọt lên đến 700 hoặc 1.000 kV gây cháy toàn bộ thiết bị.

Vấn đề thứ hai, theo giáo sư này, là kỹ thuật xây dựng vì không quốc gia nào trên thế giới lại có thể xây dựng 1.500 km chỉ hai năm trong điều kiện băng rừng rất khắc nghiệt. Vấn đề thứ ba là nền kinh tế quốc gia thời đó còn rất chật vật.

Lá thư lập tức gây xôn xao dư luận, rất nhiều đại biểu Quốc hội hôm trước ủng hộ nhưng sau đó tỏ ra hoài nghi. Rồi có ý kiến cho rằng nếu miền Bắc thừa điện thì nên xây dựng đường dây để bán điện qua cho Trung Quốc thay vì làm đường dây vào Nam. “Tôi không đồng ý phương án này vì nếu bán điện cho Trung Quốc thì nhỡ sau này họ không mua nữa đường dây vứt bỏ, lãng phí vô cùng. Về chính trị, miền Bắc thừa điện đi bán, trong khi miền Nam đang thiếu điện nghiêm trọng thì không ổn” - ông Hải nói.

Ông Hải nhớ lại buổi sáng làm việc tiếp theo ở Quốc hội, giờ giải lao, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi ông: “Anh biết gì chưa?”. Tôi bảo: “Thưa anh họ nói không đúng đâu. Chúng tôi đã có phương án giải quyết”.

Nhiều phản đối

Ông Hải cho biết vấn đề 1/4 bước sóng đã được một công ty tư vấn thiết kế đường dây cao áp (Pacific Power International - PPI) của Úc và các chuyên gia của Bộ Năng lượng giải quyết. “Rất may khi đó mình có nhiều người giỏi, học hành bài bản từ Pháp, Anh, Úc, Ukraine về... Họ rất tâm huyết và tài năng” - ông Hải nói.

Để đảm bảo cho dòng điện ổn định, các chuyên gia này đã thiết kế thêm các trạm bù đặt dọc đường dây. Mục đích của trạm bù là nơi nào dòng điện lên cao nó sẽ kéo xuống. Ngược lại, nơi nào điện yếu, trạm bù này sẽ bổ sung để điện áp của dòng điện luôn ổn định.

Theo ông Đậu Đức Khởi (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam), để thêm phần thuyết phục với Chính phủ, ngành Điện lúc bấy giờ đã đích thân mời GS.TS Trần Đình Long, khi ấy đang giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đến giải trình với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

“Sẽ vận hành được bởi với chiều dài toàn tuyến là 1.567km nhưng không liên thông đường dây suốt tuyến từ Hòa Bình vào đến Phú Lâm (TP HCM) mà chia ra. Xây dựng các trạm biến áp 500 kV để đóng điện từ Hòa Bình vào đến trạm biến áp 500 kV Hà Tĩnh, rồi từ Hà Tĩnh đóng tiếp vào trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng, sau đó điện lưới quốc gia tiếp tục đóng vào trạm 500 kV Pleiku (Gia Lai). Điện từ Gia Lai sẽ đóng thẳng vào trạm 500 kV Phú Lâm. Khi chia ra nhiều cung đoạn như vậy thì không thể có chuyện trùng bước sóng”, GS.TS Trần Đình Long khẳng định.

Cũng theo ông Hải, hai vấn đề còn lại là tài chính có đáp ứng được không thì đã có tính toán trước. Riêng tiến độ xây dựng hai năm là một thử thách lớn cần phải huy động tổng lực. Sau những khúc mắc về kỹ thuật được giải quyết ổn thỏa, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó hạ quyết tâm: Xây dựng tuyến 500 kV!

Dù vậy, theo ông Trần Viết Ngãi, nguyên Phó Ban chỉ huy xây dựng đường dây 500 kV, bài toán kỹ thuật đã được giải quyết nhưng ý kiến trái chiều vẫn cứ râm ran. Không ít nhà khoa học tên tuổi trong nước kịch liệt phản đối...

Nhắc chuyện đã qua, ông Vũ Ngọc Hải vẫn ngậm ngùi rằng nếu không có tâm huyết của ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) thì Việt Nam chưa chắc đã có đường dây 500 kV sớm như vậy. “Đó không những là công trình trọng điểm quốc gia thời đó mà còn là cả sinh mạng chính trị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn vào. Trong một hội nghị về tổ chức cán bộ ở phía Nam đã có người cho rằng làm đường dây là chủ trương phiêu lưu mạo hiểm, lãng phí tiền của quốc gia, gây thanh danh cá nhân. Có thời điểm căng quá, anh Sáu Dân còn nói với tôi: “Nếu không thành công thì mình từ chức chứ không để bị cất chức”.

Tình hình khi ấy căng lắm, vậy nên trong lần nói chuyện với ngành Điện, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói rõ quan điểm của mình rằng: “Đường dây 500 kV cực kỳ quan trọng. Ai làm tốt được gắn huy chương. Ai làm không tốt, không đồng tình thì đứng qua một bên và cũng được gắn huy chương nhưng huy chương treo ngược” - ông Đậu Đức Khởi (nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam) nhớ lại...

(còn nữa)


  • 20/05/2014 10:44
  • Theo Tuổi Trẻ
  • 2074


Gửi nhận xét