Thủ tướng Võ Văn Kiệt chăm chú xem thiết bị kéo dây tự chế do Công ty Xây lắp điện 3 sản xuất phục vụ đường dây 500 kV - Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ
|
Kỳ 4: Cuộc rượu đặc biệt ở Nhật Bản
Chuyến “đi sứ” bất ngờ
Căn biệt thự C3 ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) nằm lẩn khuất trong con hẻm nhỏ khá tĩnh lặng. Trong nhà này, từ tranh vẽ, ảnh chụp, các kỷ vật to nhỏ đều gắn liền với công trình 500 kV. Tấm ảnh giữa nhà đóng khung, có cả bóng điện lồng bên dưới là chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và chủ nhân ngôi nhà Trần Viết Ngãi, cả hai đội nón cối, mặc áo công nhân ngoài công trường. Ông Ngãi bảo như một cái nghiệp, cuộc đời ông vui buồn sướng khổ đã gắn trọn với công trình đường dây 500 kV. Và may mắn ông là người được cố Thủ tướng tin tưởng giao nhiều trọng trách. Việc “đi sứ” tại Nhật Bản để “giải cứu” tiến độ đường dây là chuyến đi để đời, đến tuổi 75 bây giờ ông vẫn nhớ rành rọt từng chi tiết.
Nhấp ngụm vang đỏ, giọng nói vẫn sang sảng, ông Ngãi hỏi: “Trong hai năm vừa đặt hàng, vừa giao nhận, vừa thi công xây lắp cho hoàn thành. Ai chịu sản xuất cho anh dù anh có tiền?”. Vấn đề ông Ngãi nêu ra cũng chính là khó khăn nhất mà sau hàng loạt vấn đề về kỹ thuật và tài chính đã được Chính phủ giải quyết.
Ông Ngãi nhớ lại vào giữa năm 1993, lúc đó toàn tuyến 500 kV từ Bắc vào Nam đã là một đại công trường khổng lồ với hàng vạn nhân công thi công ngày lẫn đêm. “Phải báo cáo tiến độ từng ngày cho Thủ tướng. Những vướng mắc phải giải quyết ngay, không để bất kỳ một sơ suất nhỏ”. Thế nhưng đến giữa năm 1993, trong một cuộc họp giao ban về vật tư cung ứng cho công trình, mọi người mới vỡ lẽ phát hiện gói phụ kiện cáp quang của đường dây 500 kV chậm tiến độ đến sáu tháng. Lý do chậm trễ là phía Việt Nam đặt hàng chậm nên nhà thầu Nhật Bản không sản xuất kịp.
Ông Ngãi kể tiếp: “Nghe tin này bác Kiệt giật thót mình. Trầm ngâm một lúc, ông bảo cuộc họp tạm dừng. Rồi ông bảo tôi tối sang nhà ông (75 Phan Đình Phùng, Hà Nội), có việc riêng cần bàn gấp”. Tại nhà riêng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết một lá thư tay rồi đưa cho ông Ngãi, yêu cầu ông Ngãi đi Tokyo (Nhật Bản) gấp. Cùng đi với ông Ngãi còn có ông Nguyễn Bá Hòa và một phiên dịch. “May mắn cho chúng tôi là ông Nishio - Chủ tịch Tập đoàn Sản xuất phụ kiện cáp quang thuộc Tập đoàn Nissho Iwai, quen biết Thủ tướng nên khi cầm thư trên tay ông hứa sẽ giúp hết mình. Nhưng hôm sau ông Nishio kẹt việc nên giao lại cho Giám đốc điều hành tên Suzuki xử lý. Nghiệt ngã cho chúng tôi là ông Suzuki lại không đảm bảo lời hứa bởi vì nhà máy có hoạt động hết công suất vẫn không sản xuất kịp theo yêu cầu từ phía Việt Nam” - ông Ngãi kể.
Ông Trần Viết Ngãi kể về những ngày “đi sứ” Nhật Bản để đàm phán tiến độ của gói thiết bị cáp quang đường dây 500 kV - Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ
|
Cuộc rượu 20.000 USD
Ông Ngãi kể rằng tình thế cấp bách đến mức ông muốn về không xong mà ở cũng không được. Ngày hôm sau, khi tìm ra địa chỉ nhà máy sản xuất cáp quang của Tập đoàn Nissho Iwai gần núi Phú Sĩ tận Fujikura. Ông Ngãi, ông Hòa và người phiên dịch quyết định tìm đến thăm nhà máy. Sau khi đưa lá thư của Thủ tướng và nhắn lại lời hứa giúp đỡ từ ông Nishio, giám đốc sản xuất của nhà máy vui vẻ tiếp chúng tôi và ông thừa nhận chân thành: “Thú thật nhà máy tôi không thể sản xuất chừng đó đơn hàng cho các ông trong thời gian ngắn như vậy. Nhưng chúng tôi hiện có hai đơn hàng từ Ấn Độ và Sri Lanka với các phụ kiện cáp quang giống hệt đơn hàng Việt Nam. Có điều hai nước trên chưa nhận hàng. Vấn đề còn lại là các ông nên gặp ông chủ tịch Nishio”.
Mừng như cá gặp nước. Đêm đó ba người đàn ông mừng đến mất ngủ và họ quyết định quay lại Tokyo mở đầu cuộc thương lượng sinh tồn. Ông Ngãi nhớ lại: “Tôi hỏi anh Hòa tiền túi còn bao nhiêu, anh ấy bảo còn 5.000 USD. Tôi còn 20.000 USD. Người phiên dịch bảo nếu nhà hàng sang trọng thì bữa tiệc tiêu tốn không dưới 20.000 USD. Tôi chấp nhận! May mắn hơn nữa là ông chủ tịch Tập đoàn Nishio nhận lời đến dự và có cả ông Suzuki”. Biết là sẽ uống rất nhiều rượu và phải “chịu chơi” trong các cuộc thương lượng như vậy, may ra mới thành công. “Tôi phải uống sake thứ hảo hạng từ 16h cho đến gần 2h sáng. Chúng tôi nói chuyện từ đất nước, con người, âm nhạc, hội họa ở xứ sở Việt Nam để thấy rằng Việt - Nhật rất gần nhau. Ông Nishio quá phấn khích và ấn tượng với người Việt Nam. Khi cả hai đã ngà ngà say thì tôi thấy ông Nishio đứng dậy cởi chiếc áo vest đang mặc bảo “tôi tặng anh làm kỷ niệm”. Ngay lập tức tôi đứng dậy lột ngay chiếc cà vạt đang đeo rồi cúi xuống bảo “tôi tặng lại ông”. Chúng tôi ôm nhau thật chặt. Ông hỏi: “Khi nào anh về? Công việc thuận lợi không?”. Tôi bảo chưa thể về được và biết đây là lúc đi thẳng vào vấn đề. Nghe xong, ông Nishio gọi tổng giám đốc Suzuki đến và ký quyết định trao lô hàng của Ấn Độ và Sri Lanka sang cho Việt Nam. Đơn hàng hai nước ấy sản xuất sau. Tôi mừng như chết lặng”. Ít lâu sau, lô hàng cáp quang với đầy đủ thiết bị được thông quan tại cảng Hải Phòng một cách suôn sẻ. Chưa đầy hai tuần sau, các thiết bị đều có mặt trên toàn tuyến.
Ông Ngãi cho rằng trong những lúc khốn khó nhất dù có thiệt thòi cũng vẫn phải quyết định. Nhìn xung quanh căn nhà, ông Ngãi nói chậm như thì thầm: “Bây giờ đường dây đã ổn định qua hơn 20 năm hoạt động, mọi thứ đều ổn và mang lại hiệu quả. May mắn cho chúng tôi là anh em thời đó làm việc rất trong sáng, nhiệt huyết và giỏi chuyên môn. Không ai dám nhũng nhiễu, ma mãnh. Bên Bộ Công an có một ban chuyên lo việc này nên vấn đề tham nhũng rất ít. Vì vậy mỗi người tham gia công trình là một kỷ niệm trong đời lúc gian khó nhất”.
Dù vừa thiết kế vừa thi công nhưng Bộ Năng lượng đã hoàn thành rất nhanh phần thiết kế tổng thể toàn tuyến rồi chia làm bốn cung đoạn thiết kế chi tiết giao cho bốn công ty xây lắp điện triển khai thi công đồng loạt.
Theo đó, đoạn 1 từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh do Công ty Xây lắp điện 1 đảm nhận, đoạn 2 từ Hà Tĩnh đến Kon Tum do Công ty Xây lắp điện 3 thi công, đoạn 3 từ Kon Tum đến Đắk Lắk do Công ty Xây lắp điện 4 thi công, và đoạn cuối cùng từ Đắk Lắk đến Phú Lâm do Công ty Xây lắp điện 2 đảm nhận.
Trên chiều dài toàn tuyến 1.567 km có 3.423 vị trí móng cột phần lớn là xuyên núi rừng hiểm trở. Vừa tự mở đường để vận chuyển, vừa phải huy động, tận dụng tổng lực lo sắt thép, ximăng để đổ gần 250.000 m3 bêtông và lắp đặt 26.000 tấn thiết bị.
Tuy nhiên, đến giờ phút cuối, Công ty Xây lắp điện 4 đã không thể tiếp nhận thi công cung đoạn từ Kon Tum đi Đắk Lắk vì quá khó khăn. Cung đoạn này sau đó đã giao lại cho Công ty Xây lắp điện 3 thi công dưới sự chỉ huy của ông Trần Viết Ngãi.
|
(Còn nữa)