Áp lực không phải căng thẳng. Tuy nhiên áp lực có thể trở thành căng thẳng nếu có thêm yếu tố: Suy ngẫm - xu hướng nghĩ đi nghĩ lại những sự kiện quá khứ hoặc tương lai, trong khi gắn những cảm xúc tiêu cực vào những suy nghĩ đó. Tất nhiên, những nhà lãnh đạo phải ngẫm nghĩ để lên kế hoạch cho tương lai hoặc xem xét lại những bài học trong quá khứ, nhưng đây lại là một quá trình phân tích ngắn gọn với một kết quả tích cực.
Trong khi đó, trầm ngâm suy nghĩ thường xuyên lại có tính phá hoại, làm giảm sức khỏe, năng suất và hạnh phúc của bạn. Những người lo lắng kinh niên cho thấy tỷ lệ mắc bệnh mạch vành và chức năng miễn dịch bị ức chế.
Chăm chú vào quá khứ hay tương lai đưa chúng ta ra xa khỏi thực tại, ngăn cản chúng ta hoàn thành công việc hiện tại. Nếu bạn hỏi những người hay suy ngẫm họ cảm thấy như thế nào, thì chẳng ai trong số họ sẽ trả lời là “hạnh phúc” cả. Hầu hết sẽ cảm thấy rất khổ sở.
Có 4 bước làm giảm sự căng thẳng này:
Thức tỉnh: Nhiều người sử dụng hầu hết thời gian trong ngày của họ ở trong trạng thái “tâm hồn treo ngược cành cây”. Điển hình là khi bạn vào trong bãi gửi xe của công ty nhưng không nhớ là đã tới đó như thế nào hay khi ai đó trong cuộc họp hỏi ý kiến của bạn nhưng bạn đã bỏ lỡ vài phút cuối của đoạn hội thoại. Vì tất cả quá trình suy ngẫm đã diễn ra trong giai đoạn này, nên bước đầu tiên cần làm là phá vỡ nó.
Bạn có thể làm việc này bằng các hoạt động thể chất như đứng hoặc ngồi dậy, vỗ tay và di chuyển cơ thể. Hoặc bạn có thể thực hiện các biện pháp tinh thần như kết nối với các giác quan bằng cách để ý những gì bạn có thể nghe, nhìn, ngửi, nếm, và cảm nhận. Ý tưởng của việc này là để bạn kết nối lại với thế giới xung quanh.
Kiểm soát sự tập trung: Khi bạn suy ngẫm, sự tập trung của bạn bị mắc kẹt trong một vòng lặp không hữu ích, giống như một chú hamster chạy trên một bánh xe vậy. Bạn cần phải chuyển hướng, thay vì đắm chìm trong suy nghĩ của mình thì làm phân tâm bản thân bằng cách khác.
Ví dụ như vẽ những vòng tròn trên giấy, lập danh sách những việc bạn có thể kiểm soát được (làm việc hết khả năng) và những việc không thể (ý kiến của sếp).
Nhắc nhở bản thân rằng bạn có thể quan tâm đến các yếu tố bên ngoài như công việc, đồng nghiệp, gia đình mà không nhất thiết cần phải lo lắng về họ.
Xem xét mọi việc: Những người hay suy nghẫm có khuynh hướng nghĩ đến những tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra, nhưng các nhà lãnh đạo có năng lực luôn xem xét mọi thứ cho bản thân và cho nhân viên của họ. C
ó 3 phương pháp: đối chiếu (so sánh một áp lực trong quá khứ với hiện tại như giữa một căn bệnh rất nặng với một vụ bán hàng thất bại), chất vấn (hỏi bản thân “Việc này có nghĩa gì trong 3 năm tới” và “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?” và “Làm thế nào để mình vượt qua được nó?”) và lật ngược tình thế (nhìn vào thách thức của bản thân từ một góc độ mới: “Có cơ hội gì trong tình huống này mà mình chưa nhìn thấy? hay thậm chí “Tình huống này có gì buồn cười nhỉ?”).
Ngưng suy ngẫm: Bước cuối cùng thường là bước khó khăn nhất. Nếu dễ dàng từ bỏ thì ai cũng có thể làm được ngay rồi. Có 3 phương pháp có thể giúp bạn làm được điều này.
Phương pháp thứ nhất là chấp nhận: thừa nhận rằng dù bạn có thích tình huống này hay không, bản chất của nó sẽ không thay đổi.
Thứ hai, rút ra bài học. Bộ não của bạn sẽ xem xét các sự kiện cho đến khi bạn nhận ra được điều gì đó từ chúng, vì vậy hãy hỏi bản thân: “Tôi đã học được gì từ trải nghiệm này?”.
Cuối cùng là hành động. Đôi khi giải pháp thực sự không phải là để thư giãn mà để làm gì đó về tình trạng của bạn. Hỏi bản thân rằng: “Bây giờ mình cần phải làm gì?”.
Tại chỗ làm việc, nhiều người đổ lỗi cho mức độ lo lắng cao do sếp, công việc, deadlines, hoặc những nhiệm vụ khác mà cũng muốn chiếm trọn thời gian của họ. Tuy nhiên, lại có những đồng nghiệp của chính những người này đối mặt với các thách thức tương tự vậy mà không gặp bất cứ căng thẳng nào. Với 4 bí quyết trên, bạn hoàn toàn có thể giải phóng stress tới từ công việc.