Hãy nhìn thẳng vào mắt họ
Nhìn thẳng vào mắt người đối diện là chìa khóa để khiến họ chú ý và hứng thú hơn với những điều bạn nói. Việc giao tiếp bằng ánh mắt cũng thể hiện sự trung thực, tôn trọng và đặc biệt gạt bỏ được sự xao nhãng của người nghe. Theo các chuyên gia tâm lý, khi nói chuyện với người khác, thời gian chúng ta nhìn thẳng vào mắt người nghe nên chiếm 70% - 80% tổng thời gian cuộc đối thoại. Điều này thể hiện sự thành thật của bạn và giúp người nghe nhớ đến 90% những gì bạn nói. Dưới mức này, rất có thể người nghe không đánh giá cao những thông tin bạn đưa ra.
Ảnh minh họa
|
Xưng tên trong suốt cuộc nói chuyện
Khi giao tiếp với những người hay quên, nhìn vào mắt họ và xưng tên trong suốt quá trình nói chuyện sẽ là phương pháp hữu hiệu giúp người nghe nắm bắt thông tin nhanh và lưu trữ chúng lâu hơn. Theo chuyên gia tâm lý Don Gabor thì con người rất nhạy cảm và tiếp thu rất nhanh khi nghe ai đó nhắc đến tên mình. Vì vậy khi bạn luôn gọi tên họ thì sẽ có khả năng tạo cho người nghe nhớ hết những gì bạn nói.
Truyền tải sự hứng thú
Khi bạn cảm thấy hứng thú với người khác, người khác cũng sẽ hứng thú với bạn nên hãy thể hiện sự quan tâm đến những vấn đề mà người khác đang nói đến bằng cách mỉm cười, gật gù, hoặc ánh mắt khích lệ… Và khi bạn nói, người nghe cũng cố gắng để kết nối những thông tin bạn đưa ra. Như vậy họ sẽ hứng thú với câu chuyện của bạn và đương nhiên sẽ nhớ những thứ bạn nói.
Phân thành số thứ tự khi nói
Khi phải truyền đạt một lúc nhiều vấn đề, bạn nên chú ý phân chia chúng thành các số thứ tự. Ví dụ: Trong kế hoạch này bạn cần họ làm những việc: Số 1 là..., số 2 là... Như vậy người nghe sẽ biết mình cần làm bao nhiêu vấn đề và khi thực hiện công việc mà bạn đề nghị, họ sẽ tự nhẩm đếm số lượng công việc mình đạt được và biết mình còn thiếu bao nhiêu việc chưa làm khi nhìn vào tổng số công việc mà bạn đưa ra.
Làm việc trên các văn bản
Để chắc chắn rằng đồng nghiệp của bạn sẽ không quên những nhiệm vụ quan trọng mà bạn cần họ làm, hãy trao đổi với họ trên giấy tờ. Chỉ ra chi tiết những công việc của họ trên văn bản, đánh dấu hoặc tô màu các dòng quan trọng trên văn bản để họ lưu tâm hơn. Hoặc có thể đính kèm một tờ note (ghi chú) ghi lại những việc họ có thể quên bên ngoài tập hồ sơ. Đây cũng là cách những người hay quên thường dùng với bản thân. Nhưng chú ý không dùng những từ ngữ như “nhớ phải…”, “nên làm…”, “đừng quên…” trên những tờ giấy note bạn đính kèm. Họ sẽ cảm thấy mình bị điều khiển khi nhìn thấy chúng.
Kết thúc đúng lúc
Dù bạn đang nói bất kỳ vấn đề gì thì việc kết thúc câu chuyện đúng lúc là một phần quan trọng để giữ lại những ấn tượng tích cực. Đối với những người hay quên, bạn không nên kéo dài câu chuyện quá lâu và đưa ra quá nhiều thông tin cùng lúc. Như vậy họ sẽ nhanh chóng quên sạch mọi thứ bạn nói chỉ sau 5 phút hoặc chỉ nhớ những điều bạn nói đầu tiên và cuối cùng mà quên mất khúc giữa. Hãy tạo điểm nhấn và tóm tắt những việc bạn cần họ nhớ trong câu chuyện, dừng lại khi thấy ánh mắt người nghe đang xao nhãng hoặc có vẻ mông lung đâu đó. Khi đó bạn biết là họ không thể nhớ thêm những điều bạn muốn họ nhớ.
Ngoài những gợi ý trên đây, bạn cũng nên kiên nhẫn và thường xuyên nhắc nhở để hai bên làm việc có hiệu quả hơn. Hơn nữa khi bạn thực hiện những phương pháp này bạn cũng sẽ củng cố được trí nhớ của mình nhiều hơn trong công việc và tạo được sự chú ý trong mắt mọi người.