Công sở "xấu xí" vì đâu?

Những kẻ thích buôn chuyện, tỏ vẻ ta đây thân thiết với sếp hay có những rắc rối không hay với tình công sở… sẽ vô tình khiến môi trường công sở trở nên “xấu xí”.

Buôn chuyện, nói xấu sau lưng người khác

Việc những chiếc miệng "vận hành" tối đa không còn xa lạ trong môi trường công sở từ xưa đến nay. Bạn hãy xác định rằng, nhiệm vụ chính của bạn khi đến công ty đó là làm việc, còn chuyện buôn chuyện nên hạn chế. Có thể bạn chủ quan cho rằng, việc buôn chuyện chỉ để xả stress, nhưng thực chất đó có thể là nguồn gốc gây ra những hiểu lầm, và vô tình bạn sẽ trở thành những người xấu trong mắt đồng nghiệp dù bạn chỉ là người “góp vui” đôi ba câu. Bạn cũng nên nhớ rằng, khi ai đó chia sẻ với bạn những điều thầm kín nghĩa là họ tin tưởng bạn, nên đừng đánh mất niềm tin ấy bằng việc bêu riếu khắp nơi.

Ảnh minh họa

Rắc rối với tình công sở

Không phải tự nhiên mà xưa nay dân công sở kháo nhau chuyện đừng nên yêu đồng nghiệp. Nhất là khi 2 người xảy ra những rắc rối, có thể nó vô tình sẽ trở thành tảng băng trôi hủy hoại cả sự nghiệp của bạn. Khi đó bạn hoặc người kia, nặng sẽ hứng búa rìu của dư luận, nhẹ sẽ là những lời đơm đặt, thêu dệt không hay ho gì.

Tỏ ra thân cận với sếp

Nhiều người nghĩ rằng việc kết thân với sếp lớn, sếp bé sẽ đem lại cho mình nhiều thuận lợi, nhưng về sau bạn sẽ thấy nó đem lại nhiều phiền toái hơn. Tốt nhất đừng để tình cảm xen lẫn vào công việc. Đồng ý rằng có khá nhiều sự thăng tiến bắt nguồn từ những mối quan hệ riêng hay sự thân mật, nhưng đừng dại gì học theo những điều đó, bởi đó là sự thăng tiến không bền. Tình cảm riêng tư là con dao hai lưỡi nếu xen vào chuyện công việc. Bạn có thể thăng tiến nhờ nó, nhưng bạn cũng có thể mất việc vì nó.

Kiêu ngạo khi được đánh giá cao

Đồng ý rằng bạn được đánh giá cao trong công việc, nhưng bạn vẫn cần để mọi người thấy bạn luôn thân mật như trước kia. Đừng vì tự cao, ta đây rằng mình đã tốt, mình phải thể hiện tiếng nói của mình. Bạn nên nhớ, giữ sự thương yêu, thân mật với đồng nghiệp mình, với người “thủ trưởng” trong nhóm là một trong những yếu tố quan trọng để bạn thăng tiến lên nấc thang cao hơn trên con đường công danh sự nghiệp của mình.

Đổ lỗi cho người khác

Thói xấu của người Việt phần nhiều là sĩ diện. Khi một sự cố, sai lầm xảy ra, họ khó khăn trong việc thành khẩn nhận lỗi và cầu thị sửa lỗi. Thay vào đó, nhiều người sẽ tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, hoặc cho cả đồng nghiệp của mình. Bạn cần nhớ rằng dám làm, dám chịu trách nhiệm về những việc mình làm mới là đức tính của một nhà lãnh đạo. Và đó cũng là nấc thang quan trọng để bạn có cơ hội thăng tiến.


  • 10/10/2014 01:38
  • Tổng hợp theo Petrotimes
  • 1213


Gửi nhận xét