7 bí quyết giúp bạn cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp

Nắm bắt được 7 nguyên tắc chốn công sở dưới đây, bạn sẽ cải thiện được mối quan hệ với đồng nghiệp.

1. Tôn trọng đồng nghiệp

Có thể, bạn chỉ làm bạn với một số người, nhưng hãy dành sự tôn trọng cho tất cả các đồng nghiệp ở nơi làm việc của bạn. 

Tuyệt đối tránh những việc có thể khiến người khác cảm thấy khó chịu. Chẳng hạn như đừng bày bừa đồ cá nhân ở không gian chung, đừng tự tiện lấy đồ của người khác mà không xin phép họ... 

Nếu một đồng nghiệp nói rằng bạn đang làm phiền họ vì việc gì đó, hãy xin lỗi một cách chân thành và đừng bao giờ để việc đó lặp lại.

2. Đừng đề cập đến vấn đề riêng tư và vấn đề dễ gây xung đột

Đồng nghiệp hoàn toàn có thể trở thành bạn bè của nhau, ít nhất là bạn bè ở nơi làm việc. Thật tuyệt vời nếu bạn cảm thấy thoải mái khi làm việc cùng họ. 

Nhưng cũng đừng vì thế mà làm phiền hay can thiệp vào cuộc sống của đồng nghiệp khác. Những vấn đề riêng tư hoặc những vấn đề dễ làm nảy sinh xung đột và mâu thuẫn cũng là những điều bạn không nên đề cập đến.

Hãy lựa chọn những nội dung phù hợp khi giao tiếp, trò chuyện với các đồng nghiệp. 

Nên nhớ rằng: Có những vấn đề bạn có thể thoải mái chia sẻ với bạn bè thân thiết hoặc người thân trong gia đình, nhưng với đồng nghiệp thì không.

3. Tạo ấn tượng tốt ngay từ ngày đầu tiên

Việc bắt đầu một công việc mới, tại một công ty mới có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng và lo lắng. 

Để tạo dựng mối quan hệ tốt với sếp và các đồng nghiệp cần phải có thời gian, nhưng hãy bắt đầu nó ngay trong ngày đi làm đầu tiên. Hãy tạo ấn tượng tốt với mọi người bằng sự thân thiện và hòa đồng.

Nếu bạn cảm thấy ngại ngùng hay khó khăn để nói chuyện với những đồng nghiệp mới, hãy nở nụ cười thật tươi với họ. 

Nếu có vấn đề bạn chưa rõ, hãy mạnh dạn đăt câu hỏi hoặc nhờ sự giúp đỡ. Hãy có thái đô tích cực khi nhận được sự hướng dẫn, lời khuyên từ những đồng nghiệp và đừng quên nói cảm ơn.

4. "Chung sống" hòa thuận với tất cả đồng nghiệp, kể cả những người khó tính nhất

Bạn có thể lựa chọn công việc mình thích, lựa chọn công ty bạn cảm thấy phù hợp, nhưng rất khó để lựa chọn đồng nghiệp mà bạn muốn. 

Nếu bạn cảm thấy thích tất cả đồng nghiệp của mình và tất cả họ cũng đều thích bạn thì thực sự quá tuyệt vời. Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy hòa hơp với tất cả đồng nghiệp.

Bạn không cần phải thân thiết với tất cả đồng nghiệp, nhưng đừng gây hấn hay tạo xung đột với bất kì ai. 

Hãy tìm cách để hòa thuận với tất cả mọi người ở văn phòng, kể cả những người khó tính nhất. Điều này sẽ giúp cuộc sống của bạn nơi công sở trở nên dễ chịu hơn.

5. Hãy cư xử đúng mực và phù hợp

Cách cư xử tốt thực sự rất cần thiết cho công việc của bạn dù ở ngành nghề hay lĩnh vực nào. Hãy luôn lịch sự, cư xử đúng mực và phù hợp với các đồng nghiệp. 

Đây chính là chìa khóa giúp bạn có được những mối quan hệ tốt đẹp với họ.

Chẳng hạn như khi bạn nói chuyện riêng tư qua điện thoại, hãy giữ giọng nói vừa phải, đủ nghe. 

Thậm chí, bạn hãy di chuyển ra khu vực phù hợp để tránh làm gián đoạn sự tập trung của những đồng nghiệp khác. Hay trong việc gửi email cho đồng nghiệp, hãy sử dụng từ ngữ phù hợp và chỉ gửi đến những người cần đọc nó.

6. Đừng quan tâm quá mức, nhưng hãy tử tế với đồng nghiệp

Hãy tử tế với các đồng nghiệp và hãy giúp đỡ họ nếu bạn có thể. Sự giúp đỡ lẫn nhau sẽ giúp mối quan hệ giữa các đồng nghiệp trở nên tốt đẹp hơn. 

Nếu đồng nghiệp của bạn đang gặp khó khăn, hãy tìm hiểu vấn đề và chia sẻ với họ trong khả năng của bạn. 

Tuy nhiên, không một ai cảm thấy thoải mái khi được quan tâm quá mức, các đồng nghiệp của bạn cũng vậy. Do đó, hãy thể hiện sự quan tâm có chừng mực và phù hợp.

7. Đừng lấy những điều xì xào về người khác để "làm thân" với đồng nghiệp

Đừng tham gia vào những cuộc bàn tán, xì xào. Đừng trở thành người lan truyền những tin đồn nơi làm việc. 

Dù những thông tin đó là sự thật hay bịa đặt thì chúng cũng làm cho hình ảnh của bạn bị xấu đi.

Nếu bạn nghĩ rằng việc chia sẻ những tin tức "hấp dẫn" này sẽ tạo được sự thân thiết với đồng nghiệp thì suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm. 

Các đồng nghiệp có thể sẽ đánh giá bạn là người không đáng tin cậy. Và thậm chí, họ sẽ tránh xa bạn vì sợ rằng họ sẽ trở thành "nạn nhân" tiếp theo trong những tin đồn mà bạn lan truyền.


  • 12/12/2018 11:37
  • Nguồn: Trí Thức Trẻ
  • 2322