Bài học từ thương hiệu Việt bền vững: Sáng tạo, táo bạo và nhân văn
Có thể nói đến thời điểm này, những thương hiệu Việt đang phát triển mạnh mẽ, bền vững tại thị trường trong nước và quốc tế đều gắn với một “vị thuyền trưởng” ưu tú, đó là Đặng Lê Nguyên Vũ, Mai Kiều Liên, Lý Ngọc Minh… Họ đã có những kế sách riêng đầy sáng tạo, táo bạo để đưa thương hiệu của mình vươn ra năm châu.
Cà phê Trung Nguyên: Thương hiệu khởi nguồn từ sáng tạo
“Hướng tới tinh thần doanh nhân, chiến binh và sáng tạo đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ toàn diện từ thiết chế và cộng đồng”, đó là nguyên tắc mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ - CEO Tập đoàn Trung Nguyên chia sẻ về con đường tìm kiếm và xây dựng thương hiệu cà phê Việt hàng đầu.
Ngày 27/4/2011, chuyên mục giới thiệu những công ty thành công của tạp chí 123 năm tuổi, danh tiếng nhất thế giới – Financial Times – xuất hiện một cái tên Việt Nam: “Cà phê Trung Nguyên”.
Cà phê Trung Nguyên - Thương hiệu khởi nguồn từ sáng tạo
|
Tư duy đột phá và năng lực xây dựng thương hiệu của Trung Nguyên là niềm tự hào của một thương hiệu Việt bên cạnh các tên tuổi hàng đầu thế giới về sáng tạo và kỹ nghệ như WalMart, Cirque du Soleil, Procter&Gamble… khơi nguồn cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên sân chơi lớn toàn cầu hóa.
Vào giữa những năm 1990, Việt Nam đã là một trong ba nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hầu hết cà phê của Việt Nam đều có chất lượng thấp và xuất khẩu với giá thấp. Với niềm tin rằng những hạt cà phê chất lượng, đặc biệt của Việt Nam có thể được sản xuất và bán với giá trị cao tương xứng, vì vậy, năm 1996, doanh nhân Đặng lê Nguyên Vũ đã thành lập Trung Nguyên, công ty sản xuất cà phê cùng một hệ thống quán cà phê.
Chia sẻ điều này, CEO Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ: “Tôi muốn thay đổi hình ảnh của đất nước, một nguồn cung cà phê giá rẻ và cung ứng một thương hiệu sang trọng, hấp dẫn đối với cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Khi tìm hiểu lĩnh vực cà phê, tôi nhận ra rằng Việt Nam có tiềm năng đạt được tăng trưởng kinh tế cao và trở thành một nền kinh tế mạnh mẽ nếu ngành cà phê được cải thiện và nâng cấp”.
Cách làm thương hiệu của Trung Nguyên là khơi lại tinh thần Việt kết hợp di sản văn hóa và tính hiện đại, được thể hiện rõ trên bao bì, trong mô hình thiết kế, trang trí của các quán cà phê. Với slogan “Khơi nguồn sáng tạo”, Trung Nguyên đã tạo cảm hứng, thúc đẩy sáng tạo cho những người thưởng thức cà phê.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định: “Tinh thần doanh nhân - chiến binh - sáng tạo cần được nhanh chóng khởi phát mạnh mẽ ngay chính trong cộng đồng Việt bằng nhiều phương tiện liên hoàn để chúng ta có nền tảng mềm, nhưng vô cùng quan trọng trong tiến trình phục hưng kinh tế, đưa đất nước vào vị thế quốc gia thịnh vượng bền vững, xây dựng một thế hệ doanh nhân mới với hoài bão (chinh phục và ảnh hưởng) và 3 tinh thần (chiến binh, doanh nhân và sáng tạo)”.
Vinamilk: Chất lượng làm nên thương hiệu
Báo cáo xếp hạng "Mức độ phổ biến thương hiệu" đã tiến hành thống kê 50 thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Theo đó, tại Việt Nam, "ngôi vương" thuộc về Vinamilk, vốn là một công ty nội địa dẫn đầu ngành sữa với bề dày lịch sử ở thị trường trong nước. Một điều đáng lưu ý nữa là hai thương hiệu do Vinamilk sở hữu là Ngôi Sao Phương Nam và Ông Thọ cũng lần lượt chiếm hai vị trí thứ 6 và thứ 10 trong top 10 thương hiệu có điểm tiếp cận cao nhất tại Việt Nam.
Điều gì làm nên thành công thương hiệu Vinamilk? Câu trả lời không gì khác bằng chất lượng.
Vinamilk - chất lượng làm nên thương hiệu - Ảnh sưu tầm
|
Phát triển vươn mình từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, bước sang thời kỳ đổi mới, Vinamilk hiểu để phát triển mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm sữa, hơn lúc nào hết phải chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy dù cho rất nhiều mặt hàng sữa ngoại xâm nhập thị trường Việt nhưng Vinamilk vẫn giữ được thị trường và phát triển.
Đặc biệt vừa qua trong khi một loạt thương hiệu sữa ngoại dính nghi vấn nhiễm khuẩn, Vinamilk vẫn tiếp tục khẳng định sự phát triển bền vững của mình với phương châm “chất lượng là hàng đầu”.
Gốm Minh Long: Làm thương hiệu “Bốn không – Bốn có”
Kế thừa nghề gốm sứ của dòng tộc họ Lý, thương hiệu gốm sứ cao cấp Minh Long trở thành thương hiệu quốc gia có mặt ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc công ty cho biết: Thành công của gốm sứ Minh Long là nhờ biết cách nâng tầm chính mình.
Ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc công ty cho biết, thành công của gốm sứ Minh Long là nhờ biết cách nâng tầm chính mình.
|
Với chiến lược tập trung cho công nghệ và thiết kế, từ năm 1996, trong khi, hầu hết cơ sở sản xuất gốm sứ trong nước còn sử dụng công nghệ lạc hậu, thì công ty đã đầu tư hàng triệu USD để nhập lò nung của châu Âu, thuê kỹ sư nước ngoài lắp ráp cùng với những bí quyết sáng tạo riêng như thêm bớt các chi tiết của lò nung để có thể điều chỉnh ngọn lửa phù hợp với màu men độc đáo, tạo sự mịn màng chiều sâu cho màu men mà ngay chính các hãng gốm sứ nổi tiếng thế giới từ châu Âu, Nhật Bản đều chưa làm được.
Thậm chí Minh Long còn “chơi ngông” khi mời 30 nghệ nhân tốt nghiệp tại các trường mỹ thuật cùng các chuyên gia nước ngoài như Pháp, Mỹ, Trung Quốc huấn luyện bút pháp, biết cách phối màu, dùng cọ một cách nhuần nhuyễn.
Nói đến cách làm thương hiệu của gốm sứ Minh Long, ông Lý Ngọc Minh cho biết: Minh Long luôn thực hiện nguyên tắc “bốn không - bốn có”. “Bốn không” là không biên giới, không thời gian, không giới tính, không tuổi tác. Ông Long cho rằng, không có biên giới bởi những sản phẩm gốm sứ dù bất kể loại nào đều toát lên được “hồn”, đậm chất văn hóa Việt, nhưng vẫn thể hiện những chất tinh tú sang trọng mà ở bất cứ nước nào người tiêu dùng vẫn đồng cảm, thích thú.
“Bốn không” tạo cơ sở cho “bốn có”, đó là: Có văn hóa, gốm sứ Minh Long đưa truyền thống văn hóa, hình ảnh con người, đất nước Việt Nam giới thiệu đến bạn bè năm châu trên từng sản phẩm; có nghệ thuật với những đường nét trên từng tác phẩm, những nét vẽ tay, sự dịch chuyển của màu sắc tạo cho sản phẩm có độ bóng, những hình ảnh được chìm trong lớp men giúp có chiều sâu của không gian ba chiều trông rất sống động và bắt mắt… Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm có phong cách riêng và quan trọng nhất là có hồn, bởi “sản phẩm có hồn sẽ tự biết nói”.
“Điều tôi tâm huyết là tạo nên những sản phẩm gốm sứ vừa có kỹ thuật cao, vừa mang tính nghệ thuật, đủ sức cạnh tranh với những nền gốm sứ nổi tiếng thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức...”, ông Lý Ngọc Minh tâm sự.
Với slogan “Tinh hoa từ đất, tinh xảo từ người”, hay “Hồn Việt trong mỗi nếp nhà”, ông Minh cho biết, Minh Long luôn coi trọng niềm tin, niềm tin về chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ.
Hiện nay thương hiệu gốm sứ Minh Long nổi tiếng ở khắp các nước Nhật Bản, Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ... Doanh thu xuất khẩu bình quân hàng năm của công ty luôn ở mức 70 - 80% tổng doanh thu.
TH Truemilk: Thông điệp từ sữa sạch
Điều gì giúp cho TH True Milk trở thành thương hiệu sữa "sữa sạch" không có đối thủ trên thị trường Việt Nam? Câu trả lời đến từ vị “thuyền trưởng” thương hiệu này bà Thái Hương - Chủ tịch tập đoàn TH (TH Group), đồng thời là Tổng giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á.
TH Truemilk - Thông điệp từ sữa sạch
|
7 năm là tuổi đời quá trẻ với một thương hiệu, nhưng đến thời điểm này có thể nói thông điệp và con đường phát triển thương hiệu của doanh nhân Thái Hương cùng với TH Truemilk là đúng đắn. Bước chân vào thị trường sữa Việt Nam khi những “ông lớn” như Vinamilk đang thống lĩnh thị trường nội, nhưng bằng sự táo bạo và mạnh dạn, thương hiệu TH Truemilk cùng với thông điệp sữa sạch vẫn khẳng định vị trí của mình.
Lựa chọn thông điệp sữa sạch, bà Thái Hương muốn nhấn mạnh đến sự tinh khiết, nguyên chất của sữa TH Truemilk, đây là điều còn thiếu của thị trường sữa Việt. Bởi theo bà, phần lớn các loại sữa uống trên thị trường Việt vẫn là nhập nguyên liệu từ nước ngoài về pha chế chứ không phải là sữa tươi nguyên chất, cùng với con số chỉ có 20-25% người dân Việt Nam có thói quen uống sữa, mảnh đất để tăng thị phần còn nhiều.
Từ suy nghĩ đó, bà Thái Hương bắt tay ngay vào thực hiện. Trang trại bò sữa hiện đại nhất Đông Nam Á của TH True Milk được xây dựng trên vùng tây Phủ Quỳ, Nghĩa Đàn, Nghệ An với tổng vốn đầu tư ban đầu là 350 triệu USD. Với lượng bò ít ỏi ban đầu được nhập khẩu từ Israel, nay đã đạt khoảng 45.000 con được chăm sóc theo một quy trình sạch. Bò được ăn cỏ sạch, uống nước sạch, nghe nhạc, massage,… toàn bộ quy trình được quản lý bằng máy móc đảm bảo cho chất lượng sữa tốt nhất và sạch nhất. Hiện tại, TH True Milk đã có 100 của hàng bán lẻ chuyên biệt trên cả nước, dự kiến đạt 1.000 cửa hàng vào năm 2015 - 2016.