Bài học kinh nghiệm từ logo thương hiệu

Trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt hiện nay, một doanh nghiệp muốn chiếm trọn trái tim khách hàng thì nhất định phải xây dựng được một hệ thống nhận diện thương hiệu hiệu quả, từ logo, slogan, giao diện đồ họa… trên các công cụ bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp.

(Ảnh minh họa)

Nhiều doanh nghiệp lớn sau hàng trăm năm hoạt động cũng mất từng ấy thời gian để tìm được "bộ mặt" cho doanh nghiệp theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Đó chính là logo, là biểu tượng, là linh hồn của toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu của một doanh nghiệp nhưng không ít các đơn vị đang hiểu sai và coi nhẹ giá trị của logo. Phần lớn các logo được thiết kế theo tốc độ "công nghiệp", không được chăm chút và không thể hiện được giá trị, tầm vóc của doanh nghiệp. "Bộ mặt" này cần độc đáo, ấn tượng, dễ nhìn, dễ nhớ, dễ nhận biết, có ý nghĩa biểu tượng, thể hiện rõ được thông điệp muốn truyền tải tới khách hàng hay với chính nhân viên đang làm việc, kết hợp với màu sắc tinh tế đặc trưng cho bản sắc, văn hóa của doanh nghiệp…

Hãy cùng tìm hiểu về một số logo nổi tiếng mà các tập đoàn lớn phải dày công nghiên cứu mới chọn lựa được.

Apple & The Gap

Logo nguyên thủy của hãng công nghệ sáng tạo nhất thế giới này vốn được chính nhà đồng sáng lập Ronald Wayne thiết kế với hình ảnh tỉ mỉ và ẩn chứa nhiều thông điệp. Tuy nhiên, trải qua thời gian, dường như bộ mặt của Apple thể hiện sự rắc rối và quá cầu kỳ đồng thời đi xa khỏi hướng đi sáng tạo từ điều đơn giản mà Apple kỳ vọng.

Logo ban đầu của Apple là hình ảnh của nhà vật lý nổi tiếng Isacc Newton ngồi dưới gốc cây táo với câu trích dẫn nổi tiếng "Newton, người độc hành phiêu lưu trên những chân trời tri thức mới". Tuy nhiên, năm 1976, CEO Steve Jobs đã yêu cầu thiết kế lại logo sao cho hiện đại và sáng tạo với thời đại, từ đó chúng ta có được thương hiệu Quả táo bạc với những số đo "vàng" như ngày nay.

Nếu như Apple thay đổi "bộ mặt" để thành công, thì hãng sản xuất và bán lẻ quần áo thời trang The Gap sau vài lần thay đổi logo lại quyết định, trở lại như thời ban đầu. Logo của năm 2012 giống hoàn toàn bản vẽ năm 1990 khi công ty mới thành lập, giản dị với chữ GAP màu trắng trong một khung vuông màu xanh lam.

Những trang phục mà Gap thiết kế vốn bình dân và hướng tới sự thoải mái cho người mặc, do đó logo đơn giản mà hãng mang tới đã truyền tải trọn vẹn ý nghĩa thương hiệu này. Năm 2010, hãng này đã "vất vả" thiết kế lại logo theo hướng hiện đại với màu sắc tinh tế hơn nhưng không được chào đón và bị chính người Mỹ yêu sự "cổ điển" lên án dẫn tới phải "trở lại" sau đúng 1 tuần thay đổi.

Starbucks & Nokia

Hãng cà phê số 1 thế giới có logo ấn tượng là màu sắc xanh thân thiện đúng như tinh thần mà Starbucks mang tới. Có nhiều người giễu cợt rằng màu xanh lá mà hãng này đem tới gây kích thích mạnh vào thị giác vì nó là màu sắc của các tờ đô la Mỹ.

Quay ngược thời gian, trước những năm 1970, nàng tiên cá trong truyền thuyết Hy Lạp của Starbucks được vẽ và in màu gỗ nâu đậm nhưng không gây ấn tượng ở bang nào khác ngoài Northwestern. Nhiều người cho rằng nàng tiên cá không mặc quần áo khá phản cảm và quay lưng với hãng. Mất tới 22 năm để tìm kiếm, Starbucks mới có được một hình ảnh nàng tiên cá bán khỏa thân, với suối tóc dài đầy quyến rũ với màu xanh lá như bây giờ. Và hãng này đã thành công.

Có thể giờ đây, hãng điện thoại di động Phần Lan đã mất ngôi vương vào tay những tập đoàn khác, nhưng không thể phủ nhận thương hiệu Nokia vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí hàng trăm triệu người ở mọi thế hệ. Thành lập từ năm 1865, vốn là xưởng sản xuất bột gỗ ở nhánh sông Nokianvirta, phía Nam Phần Lan, có lẽ để giữ "gốc gác", các nhà lãnh đạo Nokia lựa chọn hình ảnh đậm chất "ngư nghiệp" với hình đầu cá khổng lồ cho logo của mình.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của Nokia đã đưa công ty Bắc Âu này thành một tập đoàn toàn cầu. Chắc chắn mọi người sẽ bất ngờ, vì dòng chữ Nokia đơn giản bây giờ tốn 100 năm để thiết kế, logo này chính thức được áp dụng từ năm 1966.

Những ví dụ trên là bài học thú vị cho các doanh nghiệp khi tìm kiếm và xây dựng hình ảnh thương hiệu đặc biệt thông qua logo. Xu hướng hiện đại là họa tiết đơn giản nhưng ấn tượng. Nhớ rằng đừng quá nóng vội, thời gian sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp.


  • 18/06/2013 05:28
  • Theo Thời báo Kinh doanh
  • 2562


Gửi nhận xét