Lễ trao giải MassChallenge năm thứ 2 tại Trung tâm triển lãm và hội nghị Boston tháng 10/2012.
|
MassChallenge là cuộc thi lớn nhất thế giới dành cho những người mới khởi nghiệp, được tổ chức hàng năm tại Mỹ. Mỗi năm, 100 doanh nghiệp mới được lựa chọn để tham gia vào chương trình tăng tốc – tại đó, doanh nghiệp được đào tạo, bổ sung các nguồn lực marketing và truyền thông, được hỗ trợ về tài chính và thậm chí được cung cấp cả phòng làm việc miễn phí.
Sau 4 tháng tham gia chương trình tăng tốc, những doanh nghiệp xuất sắc nhất sẽ được nhận giải thưởng trị giá 1 triệu USD.
Kể từ năm đầu tiên khởi động cuộc thi (2010) cho đến nay, John Harthorne, nhà sáng lập kiêm trưởng ban tổ chức MassChallenge, đã có cơ hội được chứng kiến quá trình vượt qua thử thách của 361 doanh nghiệp tham gia vào chương trình tăng tốc. Dưới đây là những bài học dành cho các doanh nghiệp trẻ mà ông đã đúc kết được.
1. Tầm nhìn và hành động thực tế
Nhiều doanh nghiệp mới quên rằng, sống chỉ với đam mê mà không có hành động thực tế thì đó chỉ là mơ mộng. Mỗi ngày, những doanh nhân hàng đầu sống với nỗi ám ảnh cháy bỏng trong đầu về một cuộc cách mạng mà họ muốn châm ngòi trong thực tế. Với những doanh nghiệp nghiêm túc, động cơ thúc đẩy họ hiếm khi là vì tiền bạc, mà đó là tầm nhìn và hành động thực tế.
2. Nghĩ lớn, làm lớn
Thành lập một doanh nghiệp nhỏ cũng khó như thành lập một doanh nghiệp lớn. Thậm chí, thành lập doanh nghiệp lớn có khi còn dễ huy động nguồn lực, đối tác hơn. Nếu mục tiêu cuối cùng của bạn không phải là chiếm lĩnh thị trường thì nhiều khi nỗ lực phải bỏ ra để mở một doanh nghiệp quả là không đáng.
Mở doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều phải đi từng bước nhỏ trước, nhưng bạn nên lấy một mục tiêu lớn làm mục tiêu cuối cùng của mình. Hãy khởi động và phát triển một doanh nghiệp có quy mô tương đối, nếu không bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tìm kiếm nguồn lực.
3. Không đầu hàng thách thức
Doanh nghiệp nào rồi cũng phải có những lần gặp khó khăn, thất bại. Một số phải đối mặt với những thách thức lớn hơn so với những doanh nghiệp khác, nhưng doanh nghiệp giỏi sẽ không để cho hoàn cảnh quyết định kết quả của mình.
Điều này không có nghĩa bạn nên bỏ qua thực tế. Hãy quan sát và lắng nghe - nhưng hãy làm chủ mọi việc, đừng lệ thuộc vào hoàn cảnh. Nếu có trở ngại trên con đường của bạn, hãy đi vòng qua nó hoặc gạt nó sang lề. Đừng đầu hàng trước thách thức.
4. Tìm kiếm lời khuyên
Doanh nghiệp thường đơn độc và khó khăn trong giai đoạn đầu. Với quá nhiều trở ngại phải vượt qua và quá ít nguồn lực, các doanh nhân không thể không có ai đó tư vấn, hướng dẫn. Bạn sẽ không thể leo lên đỉnh Everest lần đầu tiên mà không cần một hướng dẫn viên.
Tại sao phải mạo hiểm cơ hội của mình chỉ vì không tìm kiếm lời khuyên của chuyên gia. Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến đồng nghiệp và bạn bè. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy kết quả khả quan của việc thảo luận với người khác.
5. Tạo và chia sẻ thông tin
Thành công trong giai đoạn đầu thường gắn với việc thúc đẩy và xâu chuỗi các bước để tiến đến một mục tiêu lớn. Hãy tạo ra thông tin tốt lành càng sớm càng tốt và nhắm đến những kết quả hữu hình mà bạn có thể đo đếm được. Những thành công nho nhỏ như có mặt trên báo chí, chốt được một cam kết đầu tư, kiếm được một khách hàng có giá trị hoặc hợp tác với một đối tác có tiếng tăm sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy bạn đang tiến lên. Những cơ hội tốt sẽ theo đà này mà đến với bạn.
Nhưng đừng cố bịa đặt ra thông tin. Bạn phải có những bước tiến thực sự rồi mới chia sẻ thông tin với những người khác. Những người ủng hộ bạn muốn có một kết quả tốt làm cơ sở để kết nối với bạn, dù đó mới chỉ là những bước tiến nhỏ.