Vươn tới thương hiệu toàn cầu: Bài học từ các Chaebol

Ngành nào, doanh nghiệp nào của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và có cơ hội vươn ra toàn cầu? Chúng ta học được gì từ các Chaebol Hàn Quốc (một mô hình khác của tập đoàn thuộc sở hữu và điều hành bởi một hoặc một số ít gia đình tại Hàn Quốc) đang là các thương hiệu "nổi đình đám" trên thị trường toàn cầu như Sam Sung, LG, Huyndai?

Thực tế cho thấy đến thời điểm này chỉ có Viettel là có sự hiện diện nhất định trên bản đồ viễn thông thế giới. Tuy nhiên, con đường để trở thành thương hiệu Việt toàn cầu thì vẫn còn rất xa. Bởi vì ngành viễn thông của Việt Nam không phải là ngành có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, do sự phát triển về nghiên cứu và phát triển (Research & Development - R& D) còn sơ khai cũng như hạn chế về trình độ công nghệ, tính đổi mới sáng tạo.

Ngành nông sản trong đó có cà phê chính là ngành có lợi thế cạnh tranh nhất và có cơ hội vươn ra toàn cầu. Để biến giấc mơ đó thành hiện thực thì phải hội tụ được nhiều yếu tố như: Tham vọng của doanh nghiệp, định hướng chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chiến lược và cách thực thi của doanh nghiệp. Các bài học kinh nghiệm sau đây nếu được vận dụng đúng đắn và phù hợp sẽ giúp tránh được vết xe đổ cũng như tăng tốc nhanh hơn trên con đường trở thành thương hiệu Việt toàn cầu.

Cà phê là ngành có lợi thế cạnh tranh nhất và có cơ hội vươn ra toàn cầu

Thứ nhất: Chiến thuật phòng thủ chặt, phản công nhanh. Cụ thể, muốn trở thành thương hiệu toàn cầu, trước tiên doanh nghiệp phải giữ vững và trở thành số 1 ở thị trường nội địa. Mọi tham vọng sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không chiến thắng trên sân nhà của chính mình. Đây là chiến thuật mà các Chaebol Hàn Quốc như Sam Sung, Lotte đã áp dụng rất thành công. Waltmart - nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ đã phải rút lui khỏi thị trường Hàn Quốc chính do chiến thuật này của Lotte. Còn Sam Sung ngày nay không chỉ thống lĩnh thị trường nội địa mà còn giữ vị trí số 1 trên thị trường toàn cầu trong lĩnh vực điện tử và điện thoại thông minh.

Thứ hai: Tập trung vào R&D để từng bước đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo ra nhu cầu cho khách hàng. Sam Sung là một bài học thành công điển hình xứng đáng cho các doanh nghiệp học tập. Từ một thương hiệu điện tử hạng hai trên thị trường, bằng việc tập trung nguồn lực vào R&D, đến nay Sam Sung trở thành số 1 trên thị trường không chỉ trong lĩnh vực điện tử mà còn trong lĩnh vực viễn thông đầy thách thức và cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt khi đầu tư vào R&D phải trả lời được hai câu hỏi: Sản phẩm của chúng ta có gì khác biệt so với đối thủ? Lợi ích nào có thể tạo ra nhu cầu mới của khách hàng?

Thứ ba: Xây dựng được chiến lược bán hàng và tiếp thị hoàn hảo từ việc xác định phân khúc thị trường, định vị về sản phẩm, định vị về thương hiệu, chính sách giá, khuyến mại… Tại sao người Việt trẻ lại phải xếp hàng để mua ly cà phê Starbucks mà thực chất là thứ “nước đường có mùi cà phê” với giá đắt gấp vài lần ly cà phê Trung Nguyên với cà phê nguyên chất? Câu trả lời ở đây chính là chiến lược bán hàng và tiếp thị hoàn hảo của họ.

Cuối cùng, doanh nghiệp Việt phải có được sự hỗ trợ và định hướng trong chiến lược và chính sách của Chính phủ. Các Chaebol Hàn Quốc có được thành công ngày hôm nay cũng là nhờ sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ Hàn Quốc từ chiến lược kinh tế quốc gia hướng về xuất khẩu đồng thời thay thế hàng nhập khẩu.

Đối với Việt Nam, nên chăng là chiến lược quy hoạch ngành, vùng nguyên liệu với tầm nhìn dài hạn và nhất quán; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào R&D, đổi mới công nghệ như ưu đãi về thuế và vốn cho các doanh nghiệp.


  • 02/03/2013 02:02
  • Theo doanhnhansaigon.vn
  • 1789


Gửi nhận xét