Bài học về sự tự giác và trách nhiệm

Xưa thật là xưa, có một ông vua nọ, sai quân lính đặt một hòn đá to giữa một lối đi, định xem thái độ của mọi người sẽ như thế nào khi thấy hòn đá chắn lối đi.

Từng người, từng người một đi qua, ai cũng chỉ tặc lưỡi. Ngay cả ngài tể tướng đi qua cũng tảng lờ. Nhà vua giận lắm, nhưng không nói gì. Ông nghĩ rằng, nhất định sẽ có một người nào đó nhấc tảng đá này khỏi đường đi.

Hình minh họa

Ông đoán không sai. Một lát sau đó, có một người nông dân ngồi trên một chiếc xe chất đầy cỏ, kéo bởi 2 con ngựa nhìn thấy hòn đá chắn lối đi, ông xuống ngựa, đến bên hòn đá, cúi xuống, khuân hòn đá đi ra chỗ khác. Vừa làm, ông vừa lẩm nhẩm: “Chắc là sẽ đau lắm nếu ai đó vấp phải mày đấy. Tao nên đưa mày ra khỏi đây trước khi mày làm ai đó ngã xuống vì vấp phải mày”.

Xong xuôi, ông vừa trèo lên xe ngựa thì thấy ngay ở chỗ hòn đá mà ông vừa khuân đi, một túi vàng rất to. Số vàng bên trong nó có thể nuôi sống ông cả đời. Ông còn đang ngẩn ngơ không biết túi vàng ở đâu ra thì chợt nhìn thấy một mẩu giấy bên dưới. Ông đọc, và mỉm cười. Số vàng đó, ông chất lên xe, viết một vài dòng ở mặt kia lá thư, rồi đặt lại ngay chỗ cũ. Ông vua lúc đó đang nấp trong bụi cỏ rất ngạc nhiên, chờ người nông dân đi khỏi liền chạy lại lấy thư xem. Lần này lại đến lượt nhà vua mỉm cười. Không lâu sau đó, người nông dân kia đã được nhà vua mời lên cung điện, cách chức ông tể tướng vô trách nhiệm kia, và phong cho người nông dân nọ làm tể tướng. 

    Bật mí, bức thư của nhà vua viết thế này:

    “Đây là phần quà cho sự trách nhiệm của ông.

                                                                     Đức vua”

    Còn bức thư của ông nông dân thì viết là:

    “Thưa ông, tôi rất cảm ơn ông về những gì ông ban cho tôi. Nhưng mà, người dân quê tôi còn nghèo. Cho nên, xin phép ông, lấy số vàng này thay vì tặng cho tôi, tôi sẽ thay ông tặng cho những người nghèo khác. Họ cần số vàng này hơn tôi. Công việc hiện nay của tôi đủ nuôi sống cả nhà tôi rồi!”.

Rõ ràng, không những có trách nhiệm cao, người nông dân còn có con mắt nhìn đời rất công bằng. Nếu như ông sử dụng số vàng đó, ông sẽ có cuộc sống giàu có, sung túc, ấm no hơn trước rất nhiều. Nhưng ông lại đem tặng số vàng đó cho những người nghèo ở vùng ông sinh sống. Ông không đem những thứ nhà vua ban làm của riêng mà dùng nó để giúp đỡ những người nghèo khó. Kết quả của việc làm đó là được làm tể tưởng, giúp cho đất nước thái bình, dân được ấm no, hạnh phúc. 

Câu chuyện của người nông dân này đã giúp chúng ta nhận ra một điều quý giá mà rất nhiều người trong chúng ta không bao giờ nhận thấy: Vật cản đôi khi cũng có thể là một cơ hội tốt.


 


  • 28/05/2014 03:19
  • ST
  • 2576


Gửi nhận xét