Từ những hành động đẹp
Những khuôn mặt đen sạm, đôi bàn tay chai sần vì kéo cáp, áo ướt đẫm mồ hôi lẫn bùn đất… đó là hình ảnh thường thấy về người thợ điện những ngày sau bão. Đó cũng là minh chứng sinh động về những “người lính áo cam” không quản ngại mưa gió, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Mặc dù trong số họ, cũng có người nhà cửa còn bừa bộn, nước ngập sâu nhưng các anh vẫn "tạm gác việc nhà lo việc nước", tranh thủ từng phút, từng giây, nhanh chóng cấp điện trở lại cho khách hàng. Trong lúc làm nhiệm vụ, các anh vẫn không quên giúp đỡ những người dân nơi vùng bão lũ đang phải vật lộn sống trong cảnh "màn trời chiếu đất".
Hình ảnh người thợ điện đi vận động, kêu gọi giúp đỡ đồng bào, vượt qua dòng nước xiết trao tận tay những món quà đến bà con vùng lũ; hay cõng cụ già, em nhỏ qua con nước lớn di rời đến nơi an toàn thật xúc động và rất đáng quý.
Công nhân ngành Điện cõng em bé đến nơi trú ẩn an toàn trong cơn lũ quét - Ảnh: Hồng Hà
|
CBCNV ngành Điện trên cả nước cũng đều hướng yêu thương về bà con vùng lũ bằng những hành động thiết thực nhất như kêu gọi quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm, lương thực, tiền mặt... và thông qua nhiều đoàn công tác gửi tới tận tay đồng bào vùng lũ. Hàng trăm triệu đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm cần thiết đã được công đoàn, đoàn thanh niên các đơn vị ngành Điện trao tận tay tới bà con bị thiệt hại nặng nề sau đợt mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng tại hai tỉnh Yên Bái, Sơn La đầu tháng 8 vừa qua cũng đã minh chứng cho điều đó.
Là một trong những gia đình bị cuốn trôi nhà cửa sau cơn mưa lớn gây sạt lở ở xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, bà Lò Thị Đoàn, 54 tuổi tâm sự: "Những ngày qua, sau khi nước lũ rút, các cán bộ của xã và bộ đội đã đến hỗ trợ gia đình dựng tạm căn nhà để có thể sinh sống, sau đó các anh thợ điện đã lắp đặt cho đường dây, bóng đèn để có ánh sáng sinh hoạt. Rất may, trong cơn hoạn nạn được các chú thợ điện quan tâm giúp đỡ, chứ thân già này cũng chẳng biết khi nào mới làm được. Nay lại được cấp phát gạo cứu trợ nữa, già biết ơn các anh, các chị rất nhiều".
Ấm lòng tình người áo cam sau bão
Khi cơn bão số 2 gây mưa lớn trên diện rộng tại Thủ đô Hà Nội, Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm Thương Thương (xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên) bị tốc mái tôn xưởng may, khiến nhiều người khuyết tật đứng trước nguy cơ phải tạm dừng công việc, những người thợ điện Thủ đô đã có mặt kịp thời, hỗ trợ kinh phí và nhân công giúp Trung tâm lợp lại mái tôn…
Là người đưa ra ý tưởng giúp đỡ Trung tâm Thương Thương, anh Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Phòng Vật tư, phụ trách Đội Dịch vụ khách hàng PC Phú Xuyên, EVNHANOI chia sẻ: “Khi biết mái tôn của Trung tâm Thương Thương bị bão phá nát, tôi nghĩ ngay đến đây là Trung tâm toàn người khuyết tật, còn khó khăn, lại không thể tự sửa chữa được. Do vậy, tôi đã kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị cho phép Đội Dịch vụ khách hàng thực hiện phần việc này”. Những mái tôn mới trên ngôi nhà ấm áp tình người thợ áo cam của Điện lực Phú Xuyên đã phần nào khắc hoạ một góc hình ảnh đẹp về những người thợ điện.
Hay mới đây, sáng ngày 3/8/2017 một đợt lũ quét đã bất ngờ xảy ra trên địa bàn một số xã thuộc huyện Mường La, phá hỏng 2 mố cầu Nậm Păm làm chia cắt giao thông dẫn tới một số xã ở huyện Mường La bị cô lập khiến việc tổ chức cứu trợ sau lũ hết sức khó khăn. Công ty Thủy điện Sơn La đã phối hợp với Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 Sơn La khẩn trương, nỗ lực thi công ngày đêm để lắp đặt 2 dầm cầu tạm nhằm nhanh chóng khôi phục giao thông, phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.
Trước tình thế cấp bách, với tinh thần tương thân tương ái, tích cực hỗ trợ bà con nhân dân địa phương nơi gần khu vực Nhà máy Thủy điện Sơn La, ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La đã trực tiếp chỉ huy, lập phương án tổ chức thi công với tinh thần khôi phục giao thông trở lại nhanh nhất có thể đối với cầu Nậm Păm..
Anh Nguyễn Đắc Cường, cán bộ Công ty Thuỷ điện Sơn La, một trong những người đồng hành cùng anh em thợ điện tại hiện trường cho biết: "Với sự phối hợp của Công ty Thuỷ điện Sơn La, sử dụng chiếc cẩu trục 60 tấn, ê kíp điều khiển 20 người, vật tư thiết bị đồng bộ, đảm bảo kỹ thuật, an toàn, sau 2 ngày thi công 3 ca liên tục ngày đêm, đã nâng, hạ và lắp được hai chiếc dầm cầu trọng lượng 15 tấn/1 dầm. Đến ngày 12/8/2017, chiếc cầu Nặm Păm đã chính thức được thông xe trong niềm hân hoan của người dân địa phương".