Gặp tác giả bài thơ “Tôi yêu người chiến sỹ áo cam”

Đằm thắm, nhẹ nhàng, giàu nội tâm là cảm nhận của tôi về chị Lương Thị Thanh Huyền cán bộ phòng Tài chính- Kế toán, Công ty Điện lực Bắc Giang - Tác giả bài thơ "Tôi yêu người chiến sỹ áo cam" được nhiều người yêu thích, chia sẻ trên mạng xã hội.

Ngay sau khi đăng trên trang facebook cá nhân, bài thơ "Tôi yêu người chiến sỹ áo cam" của chị Huyền đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có  tới 2,3 nghìn lượt like (thích) và rất nhiều lượt share (chia sẻ). Đó là con số kỷ lục trên trang facebook cá nhân của chị.

Chị Lương Thị Thanh Huyền chia sẻ về bài thơ "Tôi yêu người chiến sỹ áo cam" với BTV bản tin EVN News.

Bài thơ sau đó cũng đã được đăng trên chuyên trang Văn hóa EVN và cũng thu hút hơn 6000 lượt xem, và đây cũng là một trong những nội dung có nhiều người xem nhất trong tháng. 

Gắn bó với ngành Điện từ năm 1992 đến nay, trước khi trở thành cán bộ phòng Tài chính- Kế toán, chị Huyền đã từng là công nhân điện. Không chỉ vậy, bố đẻ, bố mẹ chồng, em trai và cả người chồng thân yêu của chị, anh Đỗ Bình Dương đều công tác trong ngành Điện. Vậy nên, dù đi đâu, mỗi lần nhìn thấy màu áo cam chị cũng thấy thân thương, ấm áp. Từ tình cảm này, chị Huyền luôn ấp ủ, “muốn viết cái gì đó” về những khó khăn vất vả của người thợ điện.

Chị Huyền nhớ lại hoàn cảnh sáng tác bài thơ: “Hôm ấy trời nóng kỷ lục, nhiệt độ lên tới hơn 42 độ C. Đường dây khu nhà tôi bị quá tải gây mất điện. Chứng kiến những người công nhân điện làm việc trong nắng nóng kinh hoàng, lưng áo ướt đẫm, mặt ai cũng đỏ bừng mồ hôi nhễ nhại trong tôi lại dâng lên niềm xúc cảm. Tôi thương người thợ điện với công việc quá vất vả. Lại nhớ đến cậu em trai cũng là công nhân Điện, lại nhớ đến nỗi vất vả của chồng khi cùng anh em thâu đêm lội ruộng khắc phục sự cố…Vậy là tối hôm ấy, tôi đã thắp nến để viết bài thơ lấy tựa đề “Tôi yêu người chiến sỹ áo cam”

“Mình không phải là nhà thơ. Những gì mình viết là những hối thúc của xúc cảm, là trăn trở cần được thổ lộ giãi bày.”- Chị Huyền chia sẻ và cho biết, trong cả bài thơ chị thích nhất 4 câu: " Ve lặng tiếng. Cây im lìm... say nắng/ Anh vẫn đứng giữa trời xanh mây trắng/ Dưới nắng vàng gay gắt ướt đẫm vai/ Mang nụ cười hạnh phúc đến tương lai"

Tôi yêu người chiến sỹ áo cam

Công việc lặng thầm, người chiến sỹ áo cam
Chẳng quản gian nan, dầm mưa, dãi nắng.
Bữa cơm gia đình, anh thường đi làm vắng
Cái nắng nung người, rát bỏng cả thịt da 
Làm việc trên cao, các anh chẳng nề hà.
Mang ánh sáng, chạy dài đi muôn ngả
Thương các anh, ngày đêm vất vả
Giấc ngủ không tròn có việc lại lao đi
Thời tiết hôm nay khắc nghiệt quá còn gì
Ve lặng tiếng. Cây im lìm... say nắng.
Anh vẫn đứng giữa trời xanh mây trắng
Dưới nắng vàng gay gắt ướt đẫm vai
Mang nụ cười hạnh phúc đến tương lai
Thế giới văn minh khi có dòng sáng điện
Cảm ơn anh....tôi yêu... Người thợ điện.
Lấp lánh mầu cam trên mảnh đất quê nhà.

                          (Lương Thị Thanh Huyền)

Bài thơ viết trong thời gian ngắn, nhưng cả đêm chị thao thức không ngủ vì xúc cảm cứ dâng lên. 4 giờ sáng, chị đăng bài thơ lên facebook. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, số lượt like và share cứ tăng chóng mặt. Hàng trăm bình luận bày tỏ suy nghĩ, tình cảm về bài thơ, về công việc của người thợ điện. Kèm theo đó là rất nhiều hình ảnh về người thợ điện trong nắng lửa, mưa giông, lúc trèo đèo lội suối để bảo đảm cho dòng điện thông suốt.

Bạn Nguyễn Phúc Phương nhận xét: “Bài thơ hay quá! Bởi xúc cảm từ những vần thơ chạm đến trái tim của bao người, thật tự hào khi được mặc trên mình bộ áo màu da cam ấy. Cảm ơn chị!”

Bạn Xuân Sơn thì cho rằng: “Bài thơ ý nghĩa quá! Mát cả tâm hồn người thợ điện!”

Trên facebook của chị Huyền, ngoài bài thơ “Tôi yêu người chiến sỹ áo cam” còn có những bài thơ về gia đình, về người dân vùng bão miền Trung, về những chiến sỹ không quân đã hy sinh trong quá trình huấn luyện… Trong bài thơ Thương quá miền Trung, có những câu thơ là nỗi lòng, là sự xót xa của chị trước cảnh người dân thê lương trong bão: “…Mẹ già khó nhọc một đời/ Canh chan nước mắt kêu trời xót thương”

Đến thăm ngôi nhà khang trang của chị trên con phố nhỏ Nguyễn Thị Lưu (TP Bắc Giang), chúng tôi được biết, ngoài công việc ở cơ quan, chị Huyền còn là một thợ may giỏi đã cầm kéo từ khi còn là nữ sinh trung học. Tầng một của ngôi nhà hiện cũng là một cửa hàng kinh doanh trang phục và hiện vẫn nhận may quần áo cho khách.

Chị Huyền chia sẻ, công việc cơ quan, việc kinh doanh của gia đình khá bận rộn nhưng chị luôn dành thời gian đọc, quan sát lắng nghe cuộc sống, lắng nghe xúc cảm của bản thân. Và, không chỉ bày tỏ, chia sẻ cảm xúc bằng thơ, chị Huyền còn có thể chơi ghi ta và hát khá hay. Đặc biệt hơn, người tri âm, tri kỷ của chị - anh Dương cũng là một tay ghi ta "có nghề", sẵn sàng tung hứng xúc cảm với vợ. Mỗi lúc rảnh rỗi, vợ chồng chị đều có thể vừa đàn vừa hát những ca khúc mà cả hai cùng yêu thích.

Những lúc ấy, họ tạm quên đi những khó khăn vất vả của cuộc sống, công việc. Căn nhà rộn rã, đong đầy những thanh âm của cảm xúc, thăng giáng với những vui buồn…


  • 28/06/2017 03:26
  • Nguyễn Tuấn
  • 3642