Thợ điện nơi cửa khẩu Bờ Y

Gần 8 năm đưa điện qua cửa khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum đến với nước bạn Lào, những thợ điện vùng biên đã trải qua nhiều gian truân vất vả, kèm theo đó là những câu chuyện đặc biệt trong nghề.

Lưới điện 22 kV từ Việt Nam qua nước bạn Lào.

Nhập gia phải tùy tục

Từ TP. Pleiku, vượt qua quãng đường 120 km, chúng tôi đến khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Nhìn những dãy cột điện cao vút, chạy dài theo con đường vừa mới khánh thành đi thẳng vào bản Phu Cư của nước bạn Lào, chúng tôi cảm nhận rõ, ở đây, “điện cũng đang đi trước một bước”.

Trước đây, quốc lộ 18B nối thị trấn Plei Kần đến xã Bờ Y chỉ là một con đường nhỏ, gập ghềnh sỏi đá. Giao thông, đi lại vô cùng khó khăn, địa hình cách trở, việc kéo điện về vùng đất nghèo khó này rất vất vả. Năm 2009, nguồn điện lưới cấp cho nước bạn Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, được lấy từ xuất tuyến 471/E46 (nay là xuất tuyết 475 Trạm 110 kV Đăk Tô).

Sau đó, vượt qua 20 km đường rừng heo hút, đồi núi treo leo, điện của Việt Nam mới tới được TBA Phu Cưa, huyện Phu Vông, tỉnh Attapeu của nước bạn Lào.

“Lúc ấy, trạm nằm ở một nơi heo hút, dân cư thưa thớt lắm, từ trạm tới bản gần nhất phải đi bộ gần 1 giờ đồng hồ” - anh Võ Duy Dương, Đội trưởng Đội Quản lý đường dây và trạm, Điện lực Ngọc Hồi, Công ty Điện lực Kon Tum (PC Kon Tum) bộc bạch và cho biết thêm: “Kéo điện vượt biên khó khăn là vậy, nhưng để đưa dòng điện đến từng hộ dân cũng không dễ dàng. Khi cùng Đội Quản lý lưới điện Phu Cưa, Điện lực Attapeu làm việc, do khác biệt về ngôn ngữ, đã có không ít tình huống “dở khóc dở cười”, nhất là chuyện “nhập gia... tùy tục”.

Anh Dương góp vui câu chuyện bằng tình huống kéo điện, đặt công tắc, ổ cắm điện vào từng nhà dân bản. Thông thường công tắc điện được đặt gần cửa ra vào, gần cột nhà cho tiện. Nhưng với người Lào và cả các bản vùng biên Bờ Y, cột nhà là vật linh thiêng không được đụng vào, dây điện thì phải đưa vào các góc nhà. Thế nên, hì hục đi xe máy vài chục cây số đường rừng mới đến nhà dân, lại phải mất gần 2 tiếng đồng hồ “khua tay múa chân”, thợ điện mới tìm được vị trí lắp công tắc phù hợp.

“Cũng bởi thế mà bài học đầu tiên trước khi anh em sang nước bạn hỗ trợ lắp điện, phải nghiên cứu trước các điều kiêng kỵ của người dân bản địa, không may phạm vào điều kiêng kỵ, người dân sẽ không hợp tác”, anh Dương chia sẻ.

Bền bỉ giữ nguồn sáng

Theo ông La Quang Năm, Giám đốc Điện lực Ngọc Hồi, PC Kon Tum, ở vùng biên xa xôi này, Điện lực luôn chú trọng nhiệm vụ chính trị, quan hệ quốc tế khi tiếp xúc với người dân nước bạn. Khách hàng hầu hết là các hộ sử dụng điện sinh hoạt, nhiều hộ chỉ sử dụng 8 - 9 số điện/tháng, hóa đơn chỉ vài chục ngàn đồng. Bên cạnh đó, lưới điện đi qua vùng núi non, rừng già, việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện là rất khó khăn.

Công nhân Điện lực Ngọc Hồi, PV Kon Tum kiểm tra TBA 100kVA, số 3 Phu Kưa, Lào.

“Trong quá trình cung cấp điện, hai đơn vị phải thường xuyên theo dõi, nắm tình hình vận hành lưới điện để khi có sự cố, anh em lập tức lên đường, cố gắng khắc phục trong thời gian nhanh nhất, ổn định cấp điện trở lại cho các xã vùng biên giới của 2 nước Việt – Lào” ông La Quang Năm nhấn mạnh.

Trong những ngày nắng nóng, để sửa chữa, khắc phục những sự cố bất ngờ, anh em thợ điện thường phải rong ruổi trên xe máy chở vật tư, thiết bị vào tận vùng sâu, vùng xa sát biên giới Việt – Lào. Có những nơi xe máy không tới được, thợ điện phải đi bộ hàng chục cây số. Có khi sự cố xảy ra lúc sáng sớm, đường đi lên tuyến mịt mù, sương giăng đầy núi, thợ điện phải dùng đất bùn trát lên đèn pha xe máy, tạo ra ánh sáng vàng mới soi rõ đường đi. Chuyện ăn trưa vội vã dưới trụ điện, ngủ lại qua đêm trên rừng già là không hiếm với những thợ điện nơi đây.

Đội Quản lý đường dây và trạm của Điện lực Ngọc Hồi hiện có 7 người, chỉ có 3 người là dân bản địa, 4 người là dân tộc Kinh. Anh Võ Duy Dương, Đội trưởng là một người “bỏ phố lên rừng”. Quê anh ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, anh lên đây làm việc đã được hơn bảy năm.

“Khi còn học ở Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, mình không tưởng tượng được sau này sẽ sống và làm việc giữa núi rừng thế này. Nhưng khi đã lên đây rồi, thì không muốn về nữa”, anh Dương nói. Bởi theo anh, dù còn nhiều khó khăn, nhưng bù lại, bà con ở đây sống tình cảm khiến anh thấy mình không hề đơn độc.

Vượt qua những khúc cua tay áo, những con đèo chạm đến tận mây xanh, hành trình “cõng” điện lên non, nối dài cung đường ánh sáng, mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho bà con dân tộc vùng biên giới hai nước Việt – Lào của những “chiến sĩ áo cam” thật đáng tự hào, đáng trân trọng. Đôi tay họ đã “khơi” dòng điện trên vùng biên nghèo khó, góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó keo sơn Việt – Lào.

Ông Bua Khăm, Trưởng phòng Kỹ thuật, Điện lực Attapeu, Công ty Điện lực Nam Lào: “Những năm qua, công nhân Điện lực Ngọc Hồi, Việt Nam đã nhiệt tình hỗ trợ cùng anh em Điện lực Attapeu giải quyết các sự cố điện, cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật và phối hợp tốt trong vận hành lưới điện an toàn. Chúng tôi luôn cảm ơn Việt Nam, trực tiếp là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ cho Điện lực Lào mang ánh sáng điện đến với người dân vùng biên giới Việt Nam - Lào”.


  • 11/05/2017 03:21
  • Nguồn bài và ảnh: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2006