Ông Trịnh Trọng Thực sinh ngày 10/12/1921. Năm 1942 ông thoát ly gia đình vào công tác tại Sài Gòn. Trong Kháng chiến Nam bộ, ông là huấn luyện viên du kích, sau đó sang Pháp học ngành Y. Thời gian này, ông vừa học vừa tham gia hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên Việt Nam ở Pháp. Do hoạt động cách mạng tích cực, ông đã bị trục xuất khỏi Pháp vào đầu năm 1953.
Trong bài báo cuối cùng của mình đăng trên Tạp chí Điện lực, ông Trịnh Trọng Thực đã khẳng định: "Tôi không hề hối tiếc khi bỏ học nghề Y ở Paris, trở về Tổ quốc để xây dựng ngành điện cả cuộc đời mình"
|
Trở về Việt Nam, ông Thực được Chính phủ Việt Nam giao cho nhiệm vụ quan trọng: Tiếp quản Nhà máy Đèn Bờ Hồ (tiền thân của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội ngày nay) vào tháng 10/1954.
Khi ấy, cơ sở vật chất, thiết bị của nhà máy đèn cũ nát, thường xuyên hỏng hóc, trục trặc do việc bảo trì, bảo dưỡng không được thường xuyên. Ông Thực cùng với các cán bộ và công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững dòng điện. Ghi nhận cố gắng của người làm điện thủ đô, ngày 21/12/1954 Bác Hồ đã đến thăm cán bộ công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ. Đối với ông Thực, chuyến thăm của Bác không chỉ là kỷ niệm mà còn là niềm từ hào, là khoảnh khắc ấn tượng đặc biệt sâu sắc trong cả cuộc đời công tác của ông.
Năm 1961, khi về làm việc cho Tổng cục Điện lực, ông nghiên cứu và đề xuất thành lập tờ Tập san nhằm bồi dưỡng kiến thức, phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho cán bộ và công nhân trong Ngành. Đó là Tập san Kỹ thuật Điện lực – tiền thân của Tạp chí Điện lực sau này. Ông Thực làm chủ bút Tập san Kỹ thuật Điện lực dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Điện lực (1962-1967).
Thông qua Tập san, ông đã cùng với các kỹ sư đầu ngành phổ biến những kinh nghiệm sản xuất, giúp nâng cao hiểu biết về kỹ thuật điện lực cho cán bộ, nhân viên ngành điện. Ông là một trong những cây bút chính của Tập san. Ngoài nhiệm vụ chủ bút, tháng nào ông cũng có 1 bài viết mang tính định hướng, chủ trương về hoạt động của ngành.
Dưới thời Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, vận dụng những kiến thức đã học hỏi tại Pháp, ông góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu áp dụng máy tính vào hoá đơn tiền điện.
Sau đó, ông công tác ở những cương vị khác như Cục phó Cục Điện lực (Bộ Công nghiệp cũ), Vụ phó Vụ Điện và Hoá thuộc Bộ Công nghiệp nặng, Vụ phó Vụ Kỹ Thuật Điện, Chủ nhiệm Chương trình năng lượng mới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật điện, Viện trưởng Viện qui hoạch và Kinh tế Điện. Với các vị trí công tác ông đều cố gắng cống hiến hết mình và có nhiều đóng góp cho đơn vị.
Ghi nhận sự cống hiến của ông trong lĩnh vực công tác, Nhà nước đã trao tặng cho ông: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Sau khi nghỉ hưu, từ sự tâm huyết với ngành điện, ông Thực vẫn ông thường dành thời gian đọc, dịch, viết các bài viết về lĩnh vực điện và đăng trên báo, tạp chí. Trong bài báo cuối cùng của mình đăng trên Tạp chí Điện lực, ông Trịnh Trọng Thực đã khẳng định: "Tôi không hề hối tiếc khi bỏ học nghề Y ở Paris, trở về Tổ quốc để xây dựng ngành điện bằng cả cuộc đời mình".
Sự cống hiến, tinh thần làm việc cháy bỏng đam mê của ông Thực là tấm gương lớn cho những thế hệ trẻ ngành Điện hôm nay noi theo.