"Lão" an toàn vệ sinh viên khó tính

Đồng nghiệp gọi anh Võ Tấn Cường là “lão” không phải vì ghét, cũng chẳng vì anh già, mà vì ở anh luôn có sự gần gũi, mộc mạc, phong trần, chín chắn, tạo cảm giác yên tâm, tin tưởng.

Cá nhân tôi biết đến “lão” từ năm 2003, khi tôi bắt đầu làm việc tại Trạm 220 kV  Bình Hòa. Ngày ấy, trong mắt tôi, “lão” ta là một người khó tính. Cứ mỗi lần thấy “lão” tỉ mẩn kiểm tra từng cái quai nón, cho tới sợi dây đeo…, tôi lại nghĩ: “Người đâu mà khó tính đến thế”. Có lần, tôi nói với “lão”:

-  Anh kiểm tra thiết bị là tốt, nhưng em nghĩ chẳng cần kỹ càng đến thế đâu!

Anh Võ Tấn Cường.

Lúc ấy, “lão” Cường lườm nhẹ tôi và nói:

- Cẩn tắc vô áy náy! Nếu chiều hoặc tối qua có cậu nào lấy đồ đi xử lí sự cố làm rơi kìm, búa hay vật tư thì sao? Hoặc sau đợt kiểm tra, các thiết bị an toàn bị hỏng, anh em quên không báo thì sao? Nếu không kiểm tra trước, đến vị trí công tác xa hàng chục cây số, cậu mới phát hiện ra hỏng, lúc ấy lại… quay về lấy à?

Tôi “đứng hình” luôn. Tôi vốn không thích những lần “lão” đem các sai sót trong phiếu công tác, lệnh công tác… của anh em ra giữa cuộc họp mà phân tích, mà giảng giải. Khó chịu là vậy, nhưng sau mỗi lần như thế, tôi thầm nghĩ: “Ừ nhỉ, sao mình lại sai sót như thế nhỉ!”. Và tôi lại phải cố gắng để “lão" khỏi phải nhắc nhở.

Nhớ có hôm thực hiện vệ sinh tiếp điểm cầu dao ở trạm B. Sau khi thay mấy bộ tiếp điểm xong, tôi vừa định mở một pha tiếp địa lưu động để thử tiếp xúc cho nhanh, thì chợt giật mình quay lại vì có người vỗ vai. Hóa ra lại là “lão” Cường.

- Làm vậy là sai đó em! Em làm chỉ huy trực tiếp thì phải luôn đảm bảo cho Nhóm công tác nằm trong vùng bảo vệ của hai bộ tiếp địa 2 đầu. Muốn tháo tiếp địa, em không được tự ý mà phải hỏi ý kiến của trực chính. Phải làm 1 bộ tiếp địa khác phía trên bộ muốn tháo. Phải báo cáo các anh trưởng trạm và phụ trách kỹ thuật của phòng kỹ thuật nữa đó!

Quả thực lúc đó, tôi vừa tức, vừa xấu hổ, nhưng “lão" nói đúng quá, phải làm theo thôi.

Còn nữa, mỗi đợt kiểm tra an toàn hằng năm, điểm số của “lão” bao giờ cũng cao nhất đội, ở trong hàng “top” của Xí nghiệp. Những lúc như thế, tôi thầm nghĩ: “Mình phải cố gắng phấn đấu bằng “lão” mới được!”

Nghĩ là làm. Trước khi ra hiện trường, tôi luôn xem kỹ các phương án thi công, biện pháp an toàn, rà soát lại quy trình, quy phạm… Đồng thời, tôi luôn ghi nhớ và để ý cách “lão” xử lý tình huống, chăm chút dụng cụ. Có một kỷ niệm tôi vẫn nhớ như in. Đó là một lần có ATVSV bị va chân vào trụ sắt, máu chảy rất nhiều. Tôi cùng “lão” Cường tiến hành sơ cứu. Nhìn lão tay vẫn thoăn thoắt băng bó, miệng thì động viên người bị thương, tôi thấy rất nể và cảm phục vô cùng.

Quả thực, sau khi hạ quyết tâm, công việc của tôi suôn sẻ hơn, tôi luôn hoàn thành công việc không có vướng mắc, sai phạm. Ngoài việc luôn nhớ tới những phân tích về các sai sót của “lão”, tôi cũng thường xuyên đọc kỹ các quy trình, quy phạm, luyện tập nhuần nhuyễn trên phần mềm trắc nghiệm cũng như áp dụng trong thực tế. Có những lúc tôi thấy “lão” Cường nhìn tôi mỉm cười như lời động viên, khen ngợi.

Kết quả đợt kiểm tra an toàn đầu năm, điểm số của tôi đã vọt lên cao nhất đội, và ngang bằng với … “lão” Cường. Cuối năm, “lão” xin nghỉ làm an toàn vệ sinh viên vì tuổi đã cao, sức đã giảm. Tôi được cử làm ATVSV.

Vừa muốn rèn luyện bản thân, vừa muốn đạt được những thành tích như “lão” Cường, tôi luôn cố gắng trong công việc. Gần đây, tôi được đề nghị đi thi “An toàn vệ sinh viên giỏi” của Công ty và thật ngạc nhiên khi biết “lão” Cường chính là người đề cử.

Trước cuộc thi, tôi càng chịu khó học hỏi “lão” nhiều hơn, cả về kiến thức, kinh nghiệm, cũng như khả năng ngoại ngữ. Nhờ cố gắng hết sức và sự động viên, chỉ dẫn tận tình của anh em trong đội, tôi đã đoạt giải cao trong cuộc thi ATVSV của Công ty và được cử tham gia hội thi cấp Tổng công ty.

Hạnh phúc trước mỗi thành công, hay băn khoăn, lo lắng trước mỗi khó khăn, trở ngại trong công việc, tôi lại nhớ tới những lời chia sẻ chân thành của “lão” – một người khó tính, nghiêm khắc, tưởng như vô cùng cứng nhắc, nhưng lại có sở trường... làm thơ với gần 200 bài thơ viết về ngành Điện. Tôi đã hỏi:

- Sao “lão” lại chọn nghề này mà không phải làm nghề khác?

- Tại mình yêu nghề, hợp nghề thì mình làm thôi. Mình tâm niệm, dù ở cương vị nào, cứ làm tốt công việc là được!

Và “lão” hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”. 

Anh Võ Tấn Cường:

-  Sinh năm: 1967.

-  Làm việc trong ngành Điện: Từ năm 1992

-  1992 -2002 : Trực phụ Trạm 220 kV Hóc Môn, Công ty Truyền tải điện 4.

-  Từ 2002 đến nay: Trực chính Trạm 220 kV Bình Hòa, Công ty Truyền tải điện 4.

-  Hơn 10 năm làm ATVSV và Công đoàn Bộ phận Trạm Bình Hòa

-  Đã có nhiều bài thơ được đăng trên các ấn phẩm của ngành Điện.


  • 20/07/2017 04:13
  • Nguồn bài và ảnh: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2102