Trao đổi với CNBC, ông cho biết: “Có một lỗi thường gặp khi diễn thuyết là chúng ta nói theo cùng một cách với tất cả mọi người. Tuy nhiên trên thực tế, mỗi khán giả đều có những bộ lọc khác nhau”.
Tất cả mọi người có những kinh nghiệm sống khác biệt, giúp định hình góc nhìn của họ. Và quá trình tương tác chỉ hiệu quả khi chúng ta luôn ý thức được rằng, đây là một quá trình linh động. “Chúng ta nghĩ đó là một đường thẳng, nhưng không, nó là một vòng tuần hoàn. Bởi vì cách bạn nghe sẽ tác động đến cách tôi nói, và ngược lại, cách tôi nói ảnh hưởng đến cách bạn nghe”, chuyên gia giao tiếp cho biết.
Khi diễn thuyết với một nhóm những người có tuổi, ông sẽ thay đổi tốc độ nói cũng như phong cách cho phù hợp với văn hóa của họ. Diễn thuyết ở những nơi bên ngoài quê hương Anh quốc, ông cũng sẽ nói chậm lại.
Một mẹo nữa là, khi đưa ra một luận điểm quan trọng, ông sẽ dừng lại một quãng khá dài. Khi biết người nghe đang bị tác động mạnh và sắp “đổ”, ông sẽ yên lặng hoặc nói nhỏ như đang thì thầm.
“Bạn có thể phát hiện người nghe đang có thái độ chống đối, hoặc chán nản, hoặc mệt mỏi, hoặc hào hứng và gắn kết. Dù là trường hợp nào, bạn cũng phải điều chỉnh cho phù hợp”, Treasure gợi ý.
Tuy nhiên, chúng ta không thể điều chỉnh được nếu chỉ tập trung vào bản thân mình. Diễn giả không diễn thuyết về mình, vì vậy đừng lo lắng về việc tự quảng cáo hoặc chứng minh giá trị của bản thân. Theo Treasure, các diễn giả giỏi luôn tập trung hướng về khán giả. Và cảm giác của họ lúc đó giống như đang tặng một món quà, món quà tri thức, cảm hứng hoặc món quà động lực.
Nếu bạn nhận thức được điều này, mọi người sẽ lắng nghe bạn, miễn sao bạn sử dụng những “kỹ năng ưu tiên” hợp lý. Trong cuốn sách sắp được xuất bản với tựa đề How to be heard (tạm dịch: Làm thế nào để được lắng nghe), Julian Treasure khuyên người diễn thuyết nên đứng thẳng và giữ đầu tạo thành một góc sao cho cổ họng không bị thắt lại.
Những điều này quan trọng hơn chúng ta vẫn nghĩ. Julian Treasure nêu dẫn chứng: “Chúng ta thường bầu cho những ứng viên chính trị có giọng nói thấp hơn, vì khi lắng nghe, chúng ta có xu hướng kết hợp yếu tố chiều sâu với sức mạnh và sự uy quyền”.
Ông cho rằng tầm quan trọng của việc lắng nghe thể hiện rõ ràng trong lĩnh vực chính trị. Theo đó, “lắng nghe là một khía cạnh quan trọng của nền dân chủ. Lắng nghe tạo nên sự thấu hiểu, và sự thấu hiểu mở đường cho một trong những yếu tố quan trọng nhất của mọi nền dân chủ: hóa giải sự bất đồng”.
“Thật thú vị khi biết được rằng, các buổi nói chuyện về chủ đề nói có đông người tham gia gấp 4 lần so với các buổi nói chuyện về chủ đề lắng nghe. Tôi nghĩ điều này đã cho thấy được sự ưu tiên rõ ràng của tất cả chúng ta”, Julian Treasure nói và nhận xét “Đây là điều khá trớ trêu. Bởi lẽ, nếu bạn muốn mọi người lắng nghe khi bạn nói, bạn nên học cách lắng nghe”.