Các nhân viên trẻ có sức lực dồi dào, năng động, đầy nhiệt huyết (ảnh minh họa)
|
1. Làm cho các nhân viên hiểu rõ những điều kiện làm việc ngay từ ban đầu
Khi phỏng vấn ứng viên trẻ, nhà quản lý phải cho họ biết những điều mà doanh nghiệp đang mong đợi từ họ. Nên giải thích rõ cho ứng viên những chỉ tiêu mà doanh nghiệp đặt ra về kết quả công việc, về các hành vi ứng xứ thích hợp trong văn phòng, những quy định về trang phục và thời gian làm việc. Bằng cách làm này, các nhân viên tương lai của doanh nghiệp sẽ hiểu rõ những yêu cầu của công việc mà họ phải làm và định hướng cần phải làm gì, làm như thế nào để thành công.
2. Đặt ra những nhiệm vụ cụ thể cho nhân viên
Các nhân viên trẻ cần được biết thời hạn mà họ phải hoàn thành các công việc cụ thể, chi tiết về các dự án mà họ phải tham gia, từ đó họ có thể phân bổ công việc và thời gian trong ngày của mình cho hợp lý nhất. Họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi mọi công việc đều có lịch trình đều đặn, các buổi họp đều có đầy đủ chương trình nghị sự, các mục tiêu đều được xác định rõ ràng và tiến triển công việc được đánh giá kịp thời. Nhà quản lý nên xác định rõ nhưng yếu tố nào được xem là tiêu chuẩn để đánh giá sự thành công nhằm giúp các nhân viên trẻ biết được họ có đang đạt được tiến bộ trong công việc hay không.
3. Hướng dẫn nhân viên những chuẩn mực trong kinh doanh
Ngay từ khi mới gia nhập doanh nghiệp, các nhân viên trẻ cần phải hiểu được những chuẩn mực mà doanh nghiệp đã đề ra nhằm làm tiêu chỉ cho các hoạt động kinh doanh. Thông thường, các nhân viên trẻ không lường trước được những hành động như sử dụng ngôn ngữ không thích hợp trong một bức thư điện tử có liên quan đến chuyện kinh doanh sẽ gây ra tác hại như thế nào cho Công ty.
4. Tạo điều kiện cho nhân viên được thực hiện nhiều việc cùng một lúc
Các nhân viên trẻ có thể làm nhiều việc khác nhau cùng một lúc và họ tỏ ra thích thú khi làm được như vậy. Nếu một nhân viên vừa gửi thư điện tử, vừa nói chuyện trên điện thoại, vừa soạn các thông cáo nội bộ thì hãy để nhân viên đó làm như vậy, miễn là chất lượng công việc của anh ta vẫn được đảm bảo.
5. Xây dựng bầu không khí làm việc tích cực
Các nhân viên trẻ thường thích làm việc ở một nơi vui vẻ, nơi mà mọi người hòa đồng với nhau và xem đó là một trong những điều kiện hàng đầu đề cân nhắc chọn lựa công việc. Họ muốn tạo ra bầu không khí thân thiện trong khi làm việc, họ cũng muốn được cùng nhau tham gia vào việc lên kế hoạch cho các sự kiện của doanh nghiệp.
6. Làm người tư vấn cho nhân viên
Các nhân viên trẻ thường muốn được học hỏi từ sếp của họ và được nghe những ý kiến phản hồi của sếp về kết quả làm việc. Họ cần ở nhà quản lý sự lãnh đạo và giám sát để hiểu được công việc của mình có ý nghĩa như thế nào đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Nhà quản lý cần phải hiểu được điều này khi tuyển dụng các nhân viên trẻ và có kế hoạch đào tạo, huấn luyện cho họ.
7. Giúp nhân viên cân bằng công việc và cuộc sống
Cuộc sống của các nhân viên trẻ thường rất phong phú với nhiều hoạt động khác nhau như chơi thể thao trong các đội nhóm, làm công tác xã hội, tham gia các khóa học ngoại khóa, dành thời gian cho bạn bè, gia đình. Nếu tạo điều kiện cho các nhân viên trẻ có một sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhà quản lý sẽ giúp cho họ làm việc tích cực, hiệu quả hơn và gắn bó với tổ chức hơn.
Nên nhớ rằng, những nhân viên trẻ luôn mang theo họ sự nhiệt tình, hăm hở khi đến làm việc với doanh nghiệp. Họ là những người luôn đi đầu trong các xu thế mới về công nghệ tiên tiến và sẵn sàng chấp nhận thử thách. Họ luôn muốn được tham gia vào các công việc của tổ chức và sẽ dễ dàng trở nên chán nản nếu phải làm việc trong những môi trường đơn điệu, với những công việc cứ lặp đi lặp lại. Khi các nhân viên trẻ trưởng thành cùng với sự phát triển của doanh nghiệp và trở thành những người có kinh nghiệm hơn, nhà quản lý sẽ thấy được rằng việc đầu tư của mình cho họ thật sự đem lại kết quả.