Ở nông thôn vào những buổi chiều mùa đông, lúc trời nhá nhem tối mà nghe thấy tiếng Cuốc kêu thì buồn đến nao lòng. Bởi nó kêu da diết lắm, kêu như nhớ thương, như dằn vặt. Những người cứng cỏi nhất nghe tiếng Cuốc kêu vào những lúc này cũng phải mủi lòng. Trong các loài chim, thì vợ chồng nhà Cuốc là sống với nhau chung thuỷ nhất, chúng không bao giờ rời xa nhau. Nếu ta đánh bẫy được một con, con kia cũng dễ dàng bắt được, bởi chúng tiếc thương nhau đến mức bỏ cả ăn cả uống, cứ quanh quẩn ở chỗ một con bị bắt mà kêu cho đến chết. Có lẽ bởi cái tình quyến luyến giữa đôi Cuốc mà người ta đã dùng nó để bỏ bùa yêu. Tôi đã chứng kiến một cuộc bỏ bùa.
Tôi biết anh từ hồi hai gia đình còn ở cạnh nhau. Anh là một người tốt nhưng không có năng lực, làm việc gì cũng phải chờ thời đợi số, nhưng hầu như đều thất bại. Anh lấy được chị cũng phải nhờ hai ba người giúp sức để bỏ bùa. Có lẽ tình yêu của anh là tình yêu đơn phương, nên mới phải bỏ bùa.
Nghe người ta bảo, nuôi hai con Cuốc để cho chúng bầu bạn với nhau, khi chúng quyến luyến nhau thì giết con cái đi, buộc con đực vào cành dâu, con đực nhớ con cái sẽ kêu cho đến chết. Lấy cành dâu chỗ vết buộc đốt thành than. Lấy ít bụi than bí mật bỏ vào cốc nước cho chị uống. Anh đã làm như vậy, nhưng phải lừa đến lần thứ ba mới thành công. Có lẽ chị lấy anh là do bị bỏ bùa chứ không phải do duyên số.
Trong cơ chế thị trường, người không có năng lực như anh thì cuộc sống gieo neo lắm, lúc nào miếng cơm manh áo cũng đè nặng hai vai. Nhìn cảnh gia đình nhà mình, nhìn chị đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương mà vẫn giật gấu vá vai thì không lúc nào là anh thôi dằn vặt. Đã có lúc anh đặt câu hỏi, giá như anh không đánh lừa chị, giá như chị không uống cốc nước bỏ bùa…
Tôi thương anh, nhưng không giúp gì được anh. Bây giờ thì cuộc sống đã khá hơn nhưng anh vẫn không thôi dằn vặt. Thì ra sống cho thanh thản không đơn giản chút nào. Đánh lừa được người khác thì dễ nhưng đánh lừa lương tâm mình đâu có dễ.