1. Tiêu hết sạch tiền lương
Nếu bạn đang chi tiêu theo kiểu “kiếm được đồng nào tiêu hết đồng ấy”, thậm chí vượt cả số tiền lương kiếm được thì chẳng mấy chốc, bạn rất dễ bị “sa lầy” vào nợ nần. Tiêu sạch số tiền lương hàng tháng có thể giúp bạn có cuộc sống dư giả ngày một ngày hai nhưng về lâu dài, bạn sẽ chẳng tiết kiệm được một đồng nào cả. Khi rời xa gia đình và bước vào cuộc sống tự lập riêng, sẽ có rất nhiều việc đột ngột xảy ra mà bạn cần đến các khoản tiền tiết kiệm. Nếu tiêu hết tiền lương, hẳn là bạn phải đi vay mượn, mà vay mượn mãi thì khó mà làm giàu được. Thế nên, hãy tập cho mình thói quen tiết kiệm một khoản nhất định ngay hôm nay.
2. Không có mục tiêu để tiết kiệm tiền
Thói quen phung phí tiền nhiều khi còn hình thành bởi bạn không thể xác định được lí do để tiết kiệm. Vì thế, hãy bắt đầu bằng cách tìm ra những thứ đồ có giá trị lớn mà bạn hy vọng sẽ sở hữu trong tương lai, ví dụ như xe máy, nhà hay quỹ dành cho con cái… Tiếp sau đó, bạn cần xác định số tiền cần có cho các mục tiêu này và có thể tiết kiệm được trong bao lâu. Cuối cùng, lập một tài khoản tiết kiệm và mỗi tháng, chuyển một số tiền cố định vào đó ngay sau khi lấy lương để tạo thành thói quen.
3. Tiêu trong “vô thức”
Nhiều bạn trẻ có thói quen tiêu tiền không suy nghĩ, ví dụ: Trong lúc chờ thanh toán ở siêu thị, tiện tay nhặt vài thanh kẹo, ngày nào cũng dừng lại quán ăn vặt trước khi về nhà, sử dụng taxi cho mọi hành trình dù đường xa hay gần… Mặc dù mỗi lần như vậy, số tiền bỏ ra quả thực không nhiều, nhưng nếu cộng lại heo tháng, theo năm, chắc chắn bạn sẽ phải giật mình. Hãy tập cho mình thói quen theo dõi chi tiêu để dùng tiền hợp lý hơn bạn nhé!
4. Bỏ qua bảo hiểm
Khi còn trẻ, bạn thường nghĩ rằng mình luôn khỏe mạnh nên bỏ qua việc đóng bảo hiểm để tiết kiệm mỗi năm một ít tiền. Tuy nhiên, những tai nạn bất ngờ luôn có thể ập đến bất cứ khi nào và số tiền tiết kiệm ít ỏi ấy dễ dàng bị quét sạch. Hãy nhớ rằng, bảo hiểm luôn là “khoản đầu tư” cần thiết cho chính bản thân bạn.
5. Cố tiêu tiền cho “bằng bạn bằng bè”
Cuộc sống của bạn bè, đồng nghiệp luôn là “tiêu chuẩn” đối với nhiều bạn trẻ. Vì thế, thói quen tài chính của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Mua gì, ăn gì, mặc gì, dùng điện thoại gì nhiều khi không còn là nhu cầu cá nhân mà là để thể hiện cái tôi, để hòa hợp với mọi người, để “bằng bạn bằng bè”. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, từ đó mà tình hình tài chính cũng khác nhau. Không nên tiêu tiền vì thấy bạn bè mình cũng tiêu như vậy bởi đó là cách nhanh nhất khiến bạn dễ rơi vào cảnh “khánh kiệt”.
6. Làm ngơ trước những tín hiệu xấu về tài chính
Điều tồi tệ nhất chính là khi bạn phát hiện ra vấn đề nhưng chẳng làm gì để cải thiện hay thay đổi nó. Trong tài chính cá nhân, việc thiếu tiền hay đang đứng trước nguy cơ nợ nần là những vấn đề bạn hoàn toàn có thể nắm bắt được. Chính vì thế, trước khi vấn đề trở nên trầm trọng hơn, thậm chí nằm ngoài tầm kiểm soát, hãy làm gì đó để cải thiện nó.