Cách đối phó khi bị đồng nghiệp "chơi xấu"

Nhiều người trầm cảm, mệt mỏi khi phải đối diện với việc bị đồng nghiệp "chơi xấu". Dù kết quả của việc đó nghiêm trọng hay không nghiêm trọng cũng đều ảnh hưởng ít nhiều đến mối quan hệ và công việc của bạn nếu xử lý tình huống không tốt.

 

Ảnh minh họa.

 
Xem lại bản thân và cố gắng tập trung chuyên môn
 
Quỳnh Trang là một cô gái cá tính, năng động, đang là phóng viên của một tờ báo điện tử. Chị thẳng thắn chia sẻ: “Những hành động trả đũa theo kiểu "hai con dê qua cầu" có thể khiến mình xả stress, nhưng chỉ làm gia tăng thêm chiến tranh, mình nghĩ như vậy. Khi bị đồng nghiệp "chơi xấu", không nên phản ứng với họ. Bởi điều đó càng gây ra hiềm khích, mối quan hệ giữa hai người càng rơi vào bế tắc. Việc họ "chơi xấu" mình chưa chắc mọi người đã biết, nhưng việc mình phản ứng với họ thì mọi người rồi sẽ biết. Lúc đó, hình ảnh của mình sẽ xấu đi trong mắt mọi người".
 
Chị Trang chia sẻ, nếu rơi vào hoàn cảnh này, chị sẽ cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, ôn hòa, tìm hiểu nguyên nhân sau đó mới đưa ra cách ứng xử phù hợp. Theo chị, việc cần làm đầu tiên là kiểm điểm lại bản thân mình, xem mình có xấu thật không, xem mình có vô tình làm tổn thương người khác hay không, ngẫm lại xem mình ứng xử đã đúng mực chưa. Nếu sai, cần thừa nhận, tự sửa để mọi người hiểu, thông cảm. Còn nếu mình không như vậy, hay nói cách khác người khác nói về mình không đúng sự thật, thì mình sẽ lựa lúc nào đấy vui vẻ, tụ họp, có thể chia sẻ quan điểm, giúp người đồng nghiệp ấy hiểu mình hơn. 

Quan điểm của chị là càng không thích mình, mình sẽ càng kết thân. Bên cạnh đó, chị Trang cho rằng, cách hay nhất để đáp trả những người đang không ưa mình đó là tập trung vào chuyên môn, làm tốt công việc của mình. Bởi vì công việc là sự kết hợp, là cầu nối giúp đồng nghiệp cùng cơ quan hiểu nhau hơn.
 
Thẳng thắn với đồng nghiệp
 
Đó là quan điểm của Nguyễn Trâm, hiện đang làm nhân viên cho một công ty tại Úc. Nhận định về vấn đề này, chị Trâm chia sẻ: “Thật buồn khi biết có người nói xấu mình, tuy nhiên cuộc sống không thể tránh khỏi những va vấp. Nếu mình rơi vào hoàn cảnh không mong muốn đó, mình sẽ hỏi câu chuyện này xuất phát từ ai. Nếu mình biết rõ đó là người nào, mình sẽ nói chuyện trực tiếp với người đó. Nếu đơn giản người đồng nghiệp đó chỉ là một nhân vật khó làm việc cùng, và mình không phải là người duy nhất cảm thấy điều đó thì mình sẽ bỏ qua, luyện tập tính kiên nhẫn không để thái độ xấu của người ấy ảnh hưởng đến mình. Còn nếu không phải, mình sẽ thu âm lại cuộc nói chuyện này. Mình sẽ lắng nghe thật kỹ xem nguyên nhân vì sao họ có nhận định không hay đó về mình, họ nghe từ đâu hay nhìn thấy gì mà quy kết điều đó".
 
Chị Trâm cho rằng, nói chuyện sẽ là cách tháo gỡ vướng mắc tốt nhất, bởi đôi khi câu chuyện xuất phát từ sự hiểu lầm chứ không phải do họ cố đặt điều về mình. Còn ngược lại, cuộc trò chuyện không mang lại một sự yên ổn, sự thấu hiểu nhau, họ vẫn tiếp tục gây khó dễ, đặt điều nói sai sự thật thì chị sẽ nói thẳng: "Bạn cần ngừng ngay thái độ đó vì chúng ta là anh em, cùng công ty". Nếu họ không muốn hiểu điều đó, chị Trâm bắt buộc phải tìm cách tự bảo vệ mình: "Mình sẽ để cho cả văn phòng được nghe đoạn thu âm cuộc nói chuyện giữa mình và người đó. Để tất cả câu chuyện được rõ ràng, và mọi người sẽ sớm nhận ra người đó là như thế nào? Theo mình, điều này sẽ dẹp yên mọi câu chuyện thêu dệt, cũng để đồng nghiệp biết rằng mình thẳng thắn, luôn rạch ròi mọi chuyện chứ không im lặng, tạo cơ hội cho những kẻ buôn chuyện làm trầm trọng thêm mọi việc”.
 
Thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất
 
Đó là quan điểm của Ngọc Anh, thư ký giám đốc công ty may mặc. Ngọc Anh cho biết: “Bị đồng nghiệp nói xấu - trước hết cứ tự xem lại bản thân mình có được vẹn toàn chỉn chu hay không đã. Tiên trách kỷ - hậu trách nhân xong, nếu thấy có lỗi sai thì phải tích cực sửa chữa khuyết điểm. Lúc đó có lẽ mình còn phải cảm ơn những người đồng nghiệp đó nữa. Còn nếu gặp những người đồng nghiệp rảnh rỗi, thích soi mói buôn chuyện về người khác, đôi khi chỉ vì hôm nay nó có cái váy đẹp hơn mình, hay được sếp cưng hơn mình, hoặc... cái con bé mới vào làm trẻ trung xinh xắn hơn mình... thì việc duy nhất bạn cần làm là... bỏ ngoài tai và chứng minh cho mọi người thấy mình không như lời đồn đại".
 
Ngọc Anh nghĩ rằng, trong cuộc sống, không thể khiến tất cả mọi người quý mến nhưng cần thẳng thắn giao tiếp với họ. Nếu đủ tự tin vào tài thuyết phục, Ngọc Anh sẽ thử trao đổi thẳng với đồng nghiệp. Bên cạnh đó, cô sẽ cố gắng dùng kết quả công việc để đáp lại mọi lời đồn thổi. "Đừng mất thời gian nghĩ ngợi lung tung bởi đa số các đồng nghiệp khác đều hiểu rõ bạn là người thế nào. Hãy tỏ ra mình là người rộng lượng chứ không phải là kẻ chấp nhặt” - Ngọc Anh chia sẻ.


  • 27/04/2014 09:07
  • Tổng hợp theo Afamily
  • 3287


Gửi nhận xét