Công nhân Truyền tải điện Gia Lai kiểm tra hành lang tuyến và phát quang cây cối có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đường dây.
|
Lội suối, băng rừng
Với thâm niên hơn 25 năm trong nghề, công việc của ông Nguyễn Tài - Đội trưởng Đội Truyền tải điện Chư Sê (Truyền tải điện Gia Lai - Công ty Truyền tải điện 3) luôn gắn với rừng sâu, núi cao. Ông Tài chia sẻ, phần lớn đường dây 500 kV đi qua các vị trí đồi núi, hiểm trở, nhiều vực sâu. Đội Truyền tải điện Chư Sê quản lý, vận hành hệ thống đường dây trên địa bàn với địa hình vô cùng trắc trở, khí hậu khắc nghiệt. Mỗi lần đi tuyến kiểm tra cột và đường dây, anh em trong đội đều phải lên kế hoạch trước cả tuần, chuẩn bị cẩn thận từ tư trang, máy móc, thiết bị cho đến thức ăn, nước uống.
Ông Tài cho biết: “Con đường đến với các điểm móng cột thường chông chênh. Có những hôm trời mưa, mặt đường lầy, trơn trượt, xe ô tô chuyên dụng không thể vào được, anh em công nhân phải mang vác đồ đạc đi bộ hơn 4 tiếng mới lên đến địa điểm làm việc. Nhiều lúc chúng tôi phải dựng lều, căng bạt và ngủ qua đêm ở đó...”.
Ông Hồ Công - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết, công việc quản lý vận hành đường dây truyền tải rất vất vả, do các tuyến đường dây phần lớn đi qua vùng núi hiểm trở, vùng sâu vùng xa, khí hậu khắc nghiệt, nên điều kiện đi lại, làm việc và sinh hoạt của công nhân các đơn vị được phân công quản lý vận hành hết sức khó khăn.
Đa phần các vị trí cột 500kV nằm ở những nơi xa tuyến đường lớn, có địa hình hiểm trở, có vị trí cột nằm tận trên đỉnh núi. Công nhân truyền tải phải dốc sức luồn rừng, leo trèo hàng giờ đồng hồ mới tới chân cột. Khi đến nơi, họ phải trèo cột điện cao hàng chục mét để kiểm tra, sửa chữa thiết bị. Ngoài ra, anh em còn phải chặt cây, phát quang hành lang tuyến...
Nhiều hiểm họa tác động đến đường dây
Không chỉ đối mặt với những khó khăn của thời tiết, địa hình hiểm trở, “lính truyền tải” còn chịu nhiều áp lực từ công tác vận hành, tuyên truyền về an toàn lưới điện trên địa bàn.
“Đóng quân” trên vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió, Truyền tải điện Gia Lai (Công ty Truyền tải điện 3) được ví như “điểm nút” quan trọng trong hệ thống truyền tải điện quốc gia. Nơi đây có hai trạm biến áp 500 kV “đời đầu” của hệ thống điện 500 kV. Ông Đinh Văn Cường, Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai chia sẻ, cung đoạn quản lý của đơn vị có địa hình phức tạp và khí hậu miền núi khắc nghiệt, đặc biệt có đoạn đường dây đi gần biên giới với Lào, hoặc Campuchia, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Dọc hành lang có nhiều cây cao có nguy cơ ảnh hưởng đến vận hành an toàn lưới điện. Mùa khô thường kéo dài, người dân đốt nương làm rẫy dễ gây ra cháy rừng.
Chỉ tay về phía vườn cao su nằm sát đường dây, bên cạnh là bạt ngàn hồ tiêu, cà phê, ông Trần Hoàng Đạo - Giám đốc Truyền tải điện Kon Tum cho biết, nơi đây, người dân thường đốt rừng làm rẫy, chặt cây. Khi gặp gió to, tro bụi bay lên cũng ảnh hưởng đến đường dây. Vì vậy, công nhân truyền tải phải xuống tận nơi cùng người dân dọn đốt rẫy có kiểm soát, để không cháy lan làm ảnh hưởng đến đường dây. Thông qua những buổi làm việc giúp dân, các đội truyền tải điện đã vận động người dân không đốt, chặt cây gần khu vực đường dây 500 kV. Cùng với đó, các đội truyền tải thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ kỹ năng an toàn điện, phối hợp chặt chẽ với già làng, trưởng bản để tuyên truyền đến bà con, tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh…
Ông Trần Thanh Phong - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã luôn bám sát tuyến đường dây để kịp thời xử lý những vị trí cột có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống truyền tải điện. Tuy nhiên, ông Phong cũng mong muốn người dân chung tay, chung sức, nâng cao ý thức để hệ thống truyền tải điện quốc gia được vận hành an toàn, thông suốt.