Câu chuyện về những người phụ nữ trên đường dây 500 kV

Trong "chiến dịch" vĩ đại ấy, có cả những “bóng hồng” đảm nhận những công việc vô cùng nặng nhọc và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Gặp lại nhau sau 20 năm xây dựng đường dây - Ảnh: Tư liệu

Để xây dựng đường dây 500 kV mạch 1 dài gần 1.500 km trong thời gian 2 năm, bên cạnh hàng ngàn CBCNV các đơn vị ngành Điện, cả nước cũng đã huy động hàng vạn chiến sĩ quân đội, công an cùng gần 7.000 lao động địa phương vào cuộc. Do khoa học kỹ thuật chưa phát triển nên mọi công việc như đào đất, đục đá, gùi cát sỏi, dựng cột, kéo dây đều phải dùng sức người nên rất vất vả. Với phụ nữ, sự gian nan càng tăng lên gấp bội. Thế mà trong chiến dịch vĩ đại này, có cả những “bóng hồng” đảm nhận những công việc vô cùng nặng nhọc và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Không có việc gì khó

Bà Hoàng Thị Tình, nguyên Tổ trưởng Tổ 2, Đội 6B - Xí nghiệp Vật liệu xây dựng điện (Công ty Xây lắp Điện 1- Bộ Năng lượng) nay đã bước vào tuổi 74 nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, mở đầu câu chuyện: Trước năm 1992, sản xuất vật liệu xây dựng là công việc chủ yếu của hơn 20 phụ nữ Tổ 2.

Khi Nhà nước huy động tổng lực cho chiến dịch xây dựng đường dây 500 kV mạch 1 (1992-1994), hầu như tất cả chị em đều đã có gia đình. Thế nhưng cả đội vẫn xung phong tham gia đi tuyến với tinh thần phấn khởi xen lẫn nỗi niềm lo âu của người phụ nữ phải xa chồng, xa con. Dù đội toàn chị em phái yếu, nhưng đã vào việc thì không có sự phân biệt, nam giới làm gì chúng tôi làm nấy. Những việc tưởng như chỉ đàn ông mới làm được nhưng chị em vẫn làm băng băng.

Chúng tôi nhận khoán trọn gói từng cung đoạn, tự đào hố móng, tự vác xi măng, gánh cát, đá, nước, vác sắt thép lên chân cột để làm giàn giáo đổ bê tông, kéo dây lấy độ võng... Khó nhất là việc dựng cột, trèo lên độ cao 40-50 mét ngay cả nam giới cũng rất ít người làm được. Các chị phải tự mày mò học cách đọc ký hiệu, đọc bản vẽ, cả cách leo núi, cách tìm phương hướng trong rừng phòng khi bị lạc. Mỗi đội được bổ sung mấy anh nam giới để trèo cao, mỗi khi các anh ấy ở trên cao, chị em ở dưới phải đọc bản vẽ để soạn các thanh thép, bu lông đưa lên theo đúng thứ tự để lắp cột, kéo dây.

Công việc chỉ có thế, tuy nhiên, với phụ nữ, đây là việc không hề đơn giản. Bởi vì, cát, đá còn có thể chia ra để gánh, nhưng xi măng buộc phải vác nguyên cả bao 50kg vì bao xi măng mở ra nếu không dùng ngay sẽ bị cứng lại. Chị Vân hồi đó chỉ nặng 42 kg, khi mùa mưa nước suối lớn, đi làm qua suối phải có người cõng vì chị thấp nhỏ quá, thế mà vẫn phải cõng bao xi măng nửa tạ như mọi người. Đường lên trụ móng hầu hết chỉ là lối đi do chị em tự phát cây mở lối, vừa dốc vừa trơn vì không có bậc, trời nắng cũng ghập ghềnh, trơn trượt chứ đừng nói trời mưa. Chị em phải buộc dây chão vào thân cây ven đường, một tay lần theo dây cáp, một tay giữ quang gánh hoặc bao xi măng để đưa hàng lên, lúc xuống cũng phải lần dây để xuống.

Để bảo đảm tiến độ, Tổ trưởng Tình vận động chị em buổi sáng, khi đến công trường, mọi người “tiện thể” ghé qua kho hàng vác mỗi người một bao xi măng lên vị trí tập kết, coi như tiện đường đi. Khổ nhất là khi đào móng mà gặp phải đá ong thì sự vất vả tăng lên gấp nhiều lần. Người khỏe thì dùng xà beng, cuốc chim để đào, người yếu dùng cáng chuyển đất đá lên miệng hố. Tuần đầu chưa quen việc chỉ đúc được 1 trụ, tuần sau tăng lên 2 trụ, rồi 3 trụ. Ban đầu 2 người trộn 20 bao xi măng/ngày, sau tăng lên 40 bao rồi 90 bao/ngày. Bây giờ nghĩ lại ai cũng ngạc nhiên không hiểu sao hồi đó mình lại khỏe thế.

Chuyện bây giờ mới kể

Với giọng bồi hồi, bà Khuất Thị Khuyên nhớ lại: Thời kỳ ấy tinh thần cao lắm, không phải nhắc nhở nhiều, mọi việc cứ chạy băng băng, người ốm cũng cố ra công trường vì nằm một mình ở lán trại buồn lắm.

Trên công trường, mọi người làm việc không kể thời tiết, địa hình, không kể gian nan vất vả, không ít người đã ngã xuống vì đường dây. Không hiểu sức mạnh nào đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả mọi khó khăn một cách dễ dàng, tự tin đến thế. Hồi làm ở móng 47, chị em được ngồi nhờ xe tải chở xi măng lên chân móng. Trời đổ mưa, đường trơn, ôtô bị lật, chị Nhung bị gãy chân phải đi cấp cứu, những người còn lại cũng bị xây xát trầy trật. Thế mà sau khi hoàn hồn lại lồm cồm bò dậy tiếp tục vác xi măng. Có lần cả đội gánh đá mệt quá, bàn nhau nghỉ giải lao, liền bị Tổ trưởng Tình hét: “Không nhanh lên thì trên kia lấy gì trộn bê tông. Lúc quay xuống các cô đi người không tức là giải lao còn gì”. Thế là tất cả lại mắm môi, mắm lợi gánh đá chạy.

Người ít, việc nhiều, khổ nhất là những ngày chu kỳ phụ nữ, vẫn vác xi măng, gánh cát, đá bình thường, vẫn choãi chân kéo dây vì không thể san sẻ công việc cho ai. Nơi ở cách chỗ làm 8 km đường rừng, để kịp giờ làm việc, 4 giờ sáng mọi người đã í ới gọi nhau dậy chuẩn bị, mỗi người một đèn pin dò đường, trưa ăn ngay trên tuyến, tối về đã nhọ mặt người, lại dò đường bằng đèn pin. Dù vậy, đi trong rừng rậm muỗi, vắt cũng không ngại bằng lội qua suối vào mùa mưa, nước ngập qua bụng, ai cũng phải mang theo bộ quần áo dự trữ, lên bờ thay ra, vắt ngay lên nón, vừa chóng khô, vừa... đỡ nóng.

Nhiều hôm đang làm gặp trời mưa to vẫn không dám nghỉ vì sợ hỏng mẻ bê tông đã trộn, làm xong quay về thì lũ đã cuồn cuộn. Người biết bơi dìu người không biết bơi qua suối, lên bờ điểm lại thấy đủ người mới òa khóc vì hú vía, vì mừng, vì tủi. Bà Khuyên tủm tỉm: Tuy nhiên, nỗi khổ nhất của các chị lại là những điều khó nói của phụ nữ. Tắm gội thì ra suối, xà phòng thay cho bồ kết, có nơi nước suối độc, chị em rụng hết cả tóc. Lúc ngủ mới khổ, 7 chị chỉ có 2 cái phản, tất cả nằm úp thìa, mỗi khi ai mỏi lưng muốn giở mình thì phải hô lên để tất cả cùng quay. Ghẻ lở, hắc lào là căn bệnh phổ biến của dân công trường thời đó, vì vậy, mỗi cô đi tắm lại đem theo nắm lá ba gọc để kỳ lưng chữa ghẻ.

Giữa buổi làm, mồ hôi ra nhiều ngứa  không kể xiết, phải cọ lưng vào gốc cây mới đỡ. Ai được tranh thủ về thăm gia đình, quà mang lên không thể thiếu những lọ thuốc D.E.P chữa ghẻ. Vắt thì thôi rồi, có buổi sáng, mọi người giật mình vì tiếng la hét, hóa ra một chị ngủ dậy cứ thấy tắc mũi khó thở, soi gương mới thấy 2 con vắt đang “ngủ ngon lành” trong hai lỗ mũi. Bây giờ kể lại thì cười, chứ lúc đó thì hãi hùng khôn xiết. Và chủ đề bao trùm trong câu chuyện của những người nữ công nhân xây lắp đường dây 500 kV ngày đó là khó khăn vất vả.

Những ngày "đèn đỏ" cũng vẫn làm hùng hục. Tiến độ đuổi sát sau lưng, cả đội toàn nữ, thay nhau nghỉ những ngày ấy có mà "vỡ trận". Thế lúc nhớ chồng thì sao?, tôi hỏi đùa. Các bà cười: hình như chẳng kịp nhớ thì phải. Ngày làm mệt, tối về muộn, có khi chẳng kịp tắm đã lăn ra ngủ để lấy sức sáng mai đi làm sớm. Có chút thời gian lại lo nghĩ về con. Cũng có vài người có chồng làm ở đội gần đó nhưng vì ở tập thể nên mỗi khi nhớ nhau lại phải rủ nhau ra bờ suối tâm sự. Thế nhưng gần cũng có nỗi lo riêng, có chị đến tìm chồng làm ở đội bên cạnh, nhìn thấy chồng đang ngồi vắt vẻo ăn cơm trên cột điện mà chân tay rụng rời (lúc đó phương tiện bảo hiểm chưa được như bây giờ), chị chỉ biết rên rỉ: anh xuống đất mà ăn cơm, đừng biến em thành góa phụ, anh cười toe toét: trèo xuống trèo lên mất thời gian lắm.

Từ đó, mỗi lần ăn cơm lại thấp thỏm nghĩ đến chồng đang ngồi trên cột mà thắt cả ruột. Những gia đình cả hai vợ chồng cùng đi tuyến, con cái phải gửi cho ông bà, hoặc anh em giúp đỡ thì khổ vì nhớ con. Ngày đi làm không sao, tối về không ngủ được vì thấp thỏm nghĩ khôn, nghĩ dại, không biết bà cháu ở nhà thế nào. Nhẹ nhõm nhất là bà Hằng có chồng ở nhà chăm sóc con, nhưng lại khổ vì cứ phải lựa ý chồng mỗi khi "bùng phát" tư tưởng "chồng ở nhà chăm con cho vợ đi công tác".

Còn bà Khuyên, cả hai vợ chồng cùng đi tuyến, thế là phải đem theo đứa con 4 tuổi đến gửi nhà dân, chẳng mấy khi con nhìn thấy mặt mẹ vì tối mẹ về đến nhà con đã ngủ say, sáng mẹ đi thì con chưa dậy. Mẹ có hôn trộm con cũng phải nhẹ nhàng sợ trẻ thức dậy khóc mẹ sẽ không đi nổi. Ôn nghèo kể khổ là thế, vậy mà khi được hỏi, hồi đấy mọi người có vui không, tất cả đồng thanh, vui chứ, những hôm mưa to không đi tuyến được, mọi người lại sinh hoạt văn nghệ hát hò rôm rả, liên hoan RTC (rượu, thịt, chó), nhiều bà uống rượu không kém gì nam giới đâu. Không thế thì làm sao chịu được gian khổ mấy năm trời. Thế mà, có hôm Xí nghiệp tổ chức văn nghệ, ai cũng phấn khởi nhưng khi nghe bài hát thời đó: “con ơi ở lại với bà, mẹ mang hòm quần áo, đi vào đường dây 500”,… thì tất cả cùng thút thít, mắt đỏ hoe. Để rồi, sáng hôm sau, tất cả lại lao vào công việc. Sau khi đường dây 500 kV hoàn thành, cả tổ nữ công nhân lại trở về với công việc hàng ngày với những lo toan bộn bề về cơm áo gạo tiền, nuôi dạy con cái.

Đến nay đã hơn 20 năm, tất cả đều đã nghỉ hưu, con cái của họ đã trưởng thành, hầu hết họ đã lên chức bà, nhưng những câu chuyện của họ cứ ríu rít như hồi đi công trường. Vẫn những tiếng cười giòn tan, những câu chuyện tranh nhau kể một cách hồn nhiên, quên cả tuổi tác.


  • 08/09/2016 03:31
  • Nguồn: Ấn phẩm Phụ nữ ngành Điện - Tạp chí Công Thương
  • 1667