Khi con gái học lớp 1, mình cũng như nhiều phụ huynh khác chủ trương không tạo cho con có thói quen tiêu tiền sớm. Vì thế, chưa bao giờ mình cho con tiền lẻ tiêu vặt mỗi tuần.
Thời điểm ấy, mỗi ngày con đi học, mình đều chuẩn bị bánh ngọt, snack hoặc hộp sữa tươi để mang theo đến lớp ăn thêm. Tất nhiên lần nào về, con cũng khai đã tự ăn hoặc cho bạn này bạn nọ ăn.
Chiều đón con, thỉnh thoảng mình cũng hỏi con muốn ăn gì. Nếu con nói thích ăn đồ này đồ nọ mà "bổ béo" thì mình cũng mua cho. Còn nếu thứ quà con thích không tốt cho sức khỏe, mình kiên quyết không mua kèm theo lời giải thích rằng ăn những quà vặt đó con có thể bị đau bụng, tiêu chảy vì không đảm bảo vệ sinh.
Cho đến học kỳ 2 năm học lớp 1, một hôm đón con đi học về như mọi ngày, con kể chuyện kiểu như gợi ý với mẹ rằng ở lớp, bố mẹ các bạn cho rất nhiều tiền để ăn quà. Vì thế, giờ ra chơi các bạn rủ nhau ra căng tin mua quà, con cũng vẫn ăn cùng các bạn, tuy nhiên con chỉ ăn trực mà không có tiền mua.
Dạy con cách tiêu tiền hợp lý (ảnh minh họa)
|
Thấy con có ý muốn xin tiền gián tiếp, mình hơi chột dạ nhưng vẫn nói luôn: “Ăn quà vặt ở trường là tính xấu, lại không tốt cho sức khỏe. Rồi con sẽ bị đau bụng, sâu răng đấy. Với lại tuổi con còn bé chưa biết cách chi tiêu nên mẹ không cho con tiền như các bạn được”. Con im lặng một lúc rồi nghĩ ngợi thế nào lại nói: “Các bạn ấy hư mẹ nhỉ?”.
Nhưng khi con vào lớp 2 thì mình bắt đầu tự nguyện cho con tiền tiêu vặt mỗi tuần. Số tiền tiêu vặt mình cho con 1 tuần là 10 nghìn đồng. Nhận được tiền tiêu vặt từ mẹ, con rất vui và luôn mừng rỡ ra mặt.
Cho con tiền tiêu vặt là thế nhưng mình cũng ra điều kiện với con về cách chi tiêu. Con không được tự ý mua quà vặt ở trường mà muốn ăn gì mình sẽ mua cho. Tiền tiêu vặt phát hàng tuần con chỉ được mua sách, truyện, dụng cụ học tập. Những lúc không dùng đến con có thể nhét vào con lợn nhỏ.
Ban đầu, con cũng răm rắp nghe lời. Nhưng được khoảng 1 học kỳ, mình để ý thấy con bắt đầu dùng tiền đó để ăn quà vặt. Thế là mình dọa cắt nên con cũng không dám mua linh tinh nữa.
Đặc biệt, nghỉ hè vừa rồi, mình còn cho con tham gia lao động để con tự kiếm tiền tiêu vặt. Chuyện là nhà bà nội con bán xôi và bánh mỳ buổi sáng rất đông khách. Những ngày con không phải đi học thêm hè, mình cho con ngủ nhà bà nội để sáng dậy phụ giúp bà đưa xôi, bánh mỳ. Thậm chí những lúc cần đưa xôi sáng cho ai đó ở đầu chợ (gần đó 1 đoạn), nội cũng sai con mang đi.
Trẻ em có hướng dẫn của bố mẹ sẽ sớm có ý thức về việc làm ra tiền và chi tiêu hợp lý (ảnh minh họa)
|
Suốt gần 3 tháng hè con phụ giúp bà, hôm vừa rồi bà nội đã mua cho con một chiếc xe đạp mới vừa để trả công vừa động viên con kịp thời. Khỏi phải nói con vui thế nào khi biết chiếc xe đạp mới này có một phần công sức của con chăm chỉ phụ bà.
Chỉ còn ít ngày nữa là con sẽ vào lớp 3 nhưng đến giờ con không còn tự tiện sử dụng tiền tiêu vặt để ăn quà nữa. Ngược lại, những hôm sử dụng tiền để mua đồ dùng học tập, nếu còn thừa tiền là y như rằng con đưa mẹ hoặc đút lợn luôn. Tiền lẻ mẹ cho, bà cho, con đều nhét lợn để mua một đồ vật nào đó như: Chiếc cặp sách kéo, hộp bút, bàn học mini...
Những lúc mình sai con đi mua gì (nhà mình gần chợ) là con toàn mang tiền thừa về. Muốn mua gì con xin phép hoặc dặn mẹ mua. Có vẻ như giờ con đã hiểu ra vấn đề và biết cách tiêu tiền vặt. Những khi thấy mẹ để tiền lẻ lung tung con còn giúp cất lại đúng chỗ và nhắc nhở mẹ nữa.