Anh Nguyễn Văn Thanh
|
Trong chuyến công tác đến Công ty Điện lực Kon Tum, tôi gặp anh Nguyễn Văn Thanh. Lần đầu gặp gỡ, tôi không thể đoán ra anh mới chỉ 36 tuổi. Dáng người gầy, da ngăm đen, anh như già hơn so với tuổi. Tôi được biết anh đang phải điều trị bệnh hiểm nghèo, nhưng ở anh vẫn luôn toát ra sự vui vẻ, nhanh nhẹn và thân thiện.
Anh Nguyễn Văn Thanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Tốt nghiệp PTTH, anh thi đậu vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp năm 2000, anh về công tác tại Chi nhánh điện Đăk Tô thuộc Điện lực Kon Tum (nay là Công ty Điện lực Kon Tum) - cách thành phố Kon Tum khoảng 40km. Qua một thời gian làm việc tại chi nhánh, anh được lãnh đạo tín nhiệm giao đảm nhận vị trí tổ trưởng tổ kinh doanh, quản lý về công tác khách hàng tại Chi nhánh.
Anh Thanh lập gia đình vào năm 2004, vợ anh là một giáo viên trung học cơ sở tại thành phố Kon Tum. Năm 2010, vợ chồng anh đã có một cháu trai kháu khỉnh. Nhưng cũng thời điểm đó, tháng 7/2010, trước những biểu hiện tụt dốc về sức khoẻ, các bác sĩ đã chẩn đoán anh bị viêm cầu thận. Mặc dù vậy, anh vẫn luôn nỗ lực cao trong công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Cuối năm 2010, lãnh đạo Công ty Điện lực Kon Tum đã quan tâm cho anh chuyển công tác về tại Điện lực thành phố Kon Tum, gần gia đình để tiện việc khám chữa bệnh. Tại đó, anh được phân công khâu quản lý khách hàng, soạn thảo hợp đồng mua bán điện, lập dự toán… Vừa lo gia đình, lo chữa bệnh, lo công việc, nhưng anh vẫn luôn hoàn thành tốt công việc được giao phó, không để tồn hồ sơ của khách hàng, luôn vui vẻ với khách hàng và đồng nghiệp…
Nhưng tình trạng sức khỏe của anh ngày càng đi xuống, bởi với đồng lương hạn chế của hai vợ chồng, trang trải chi phí sinh hoạt gia đình đã khó khăn, nói chi đến chuyện theo đuổi để điều trị dứt bệnh. Gia đình, bà con cũng như anh em đồng nghiệp đã động viên anh rất nhiều, và sau bao nhiêu lần lữa, anh quyết định vào bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh để khám. Tại đây, các bác sĩ xác định anh bị suy thận mãn và đã vào giai đoạn cuối.
Được nhập viện và điều trị tại bệnh viện một tháng bằng phương pháp chạy thận nhân tạo 7 lần, nhưng vì chi phí quá lớn nên sau đó anh chọn phương pháp mổ thẩm phân phúc mạc - hay còn gọi lọc màng bụng (Dùng thuốc truyền vào bụng, chạy thận tại nhà mỗi ngày 4 lần); tuy nhiên hằng tháng vẫn phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy để khám định kỳ và nhận thuốc.
Với mỗi chuyến đi ra vào bệnh viện như vậy, số tiền phải chi phí sau khi đã tính bảo hiểm y tế là khoảng 5 triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại, ăn nghỉ từ Kon Tum đến thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng, gia đình anh rơi vào cảnh rất khó khăn. Hiện tại hai vợ chồng phải nhờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ thêm của anh em đồng nghiệp và bà con họ hàng…
Ngôi nhà cấp 4 với diện tích chỉ gần 40 m2 mà gia đình anh đang sống hiện cũng phải dành ra 1 phòng (cách ly với bên ngoài) để chạy thận và thay băng cho anh. Vợ anh, ngoài công việc lên lớp mỗi ngày và lo toan trong gia đình, còn đảm nhiệm việc thay băng và truyền thuốc cho anh mỗi ngày 4 lần. Vất vả là vậy, nhưng lúc nào chị cũng dành cho anh sự chăm sóc chu đáo, ân cần, vui vẻ. Và chính điều đó là nguồn động viên lớn, giúp anh tiếp tục vững tin điều trị bệnh…
Đây là lượng thuốc anh Thanh đã sử dụng mới chỉ từ đầu năm 2012 đến nay
|
Trong câu chuyện rời rạc ngắt quãng cùng anh, thỉnh thoảng tôi phải quay đi giấu niềm xúc động và thương cảm. Những giọt nước mắt đã lăn trên gò má gầy khô của anh. Tôi chỉ biết nói thêm vài lời động viên an ủi, mong anh cố gắng vượt qua khó khăn để chống lại căn bệnh ngặt nghèo và sớm bình phục.
Trước hoàn cảnh khó khăn của anh Thanh, Công đoàn Công ty Điện lực Kon Tum đã quan tâm thăm hỏi, động viên, tặng quà hỗ trợ gia đình. Dù giá trị vật chất chưa nhiều, nhưng đấy là tấm lòng sẻ chia của đồng nghiệp, của tổ chức dành cho anh. Mong rằng qua bài viết này, câu chuyện về anh sẽ được thêm nhiều người biết đến và mở rộng tấm lòng nhân ái để giúp đỡ cho một đồng nghiệp không may mắc bệnh hiểm nghèo.