Thương cảm phận mồ côi mẹ

Mồ côi mẹ từ lúc 4 tuổi, cháu Nguyễn Thị Hà My (13 tuổi) đang rất cần sự giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần để có thêm sức mạnh vượt qua những ngày tháng khó khăn này…

Cháu Nguyễn Thị Hà My

Một người mẹ bất hạnh

Mẹ của Hà My là bà Đinh Thị Hải, công nhân Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (tiền thân của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại ngày nay). Trước khi về công tác tại Nhà máy, bà Hải từng là thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Cả tuổi trẻ thanh xuân bà đã cống hiến cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ở tuổi “quá lứa lỡ thì”, bà Hải mới tìm được hạnh phúc của riêng mình.

Đến năm 1999, Hà My chào đời trong nụ cười mãn nguyện của người mẹ luống tuổi nay đã thỏa lòng ước ao được làm vợ, làm mẹ. Nhưng số phận thật không chiều lòng người. Năm 2002, bà Hải phát hiện bị mắc bệnh ung thư. Mặc dù cả 2 vợ chồng bà đã dồn hết đồng lương công nhân ít ỏi để tìm mọi cách cứu chữa, nhưng do căn bệnh hiểm nghèo, bà qua đời một năm sau đó, để lại đứa con gái bé bỏng chưa đầy 4 tuổi – vẫn hồn nhiên trước nỗi đau tận cùng.

Cần lắm sự sẻ chia

Trước đây, gia đình nhỏ bé của bà Hải sống nhờ trong khu tập thể của Nhà máy. Khi mẹ mất, Hà My được bố đưa về quê (ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) sống nương nhờ ở căn nhà cũ mà bà nội để lại. Cuộc sống của 2 bố con hết sức chật vật vì ông Mai đã nhiều tuổi lại không có việc làm. Ông phải xin làm thuê, làm mướn khắp nơi mới có thể trang trải những sinh hoạt tối thiểu cho 2 bố con.

Vợ mất đã gần chục năm nay, nhưng ông Mai, nay đã xấp xỉ 60 tuổi, ngỡ như mọi chuyện mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Hà My giờ cũng sắp sửa bước vào lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Nam Sách).

“May mắn là cháu thông minh, hiếu học, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi” – gương mặt đen sạm của ông Mai tươi tỉnh hẳn lên khi kể về Hà My.

Nỗi đau, sự vất vả đã dồn nén lâu năm như vỡ òa trong tiếng nghẹn ngào của ông khi kể về đứa con gái hiếu thảo sáng nào cũng biết dậy sớm, tự rang cơm nguội ăn sáng rồi đạp xe cả chục cây số đến trường. Bữa trưa, My chỉ dám cầm lòng bằng ổ bánh mì lấy sức học tiếp buổi chiều vì biết bố không có tiền. Mỗi ngày đạp xe gần hai chục cây số, Hà My dù gầy guộc nhưng nước da ngăm ngăm, rắn rỏi và đầy nghị lực.

Điều mà ông Mai lo lắng nhất là Hà My càng lớn thì chi phí ăn học ngày càng tốn kém, trong khi ông chẳng biết lấy đâu ra tiền cho con ăn học. Tuổi ngày một nhiều, lại không có việc làm ổn định, những gì ông có chỉ là mảnh vườn con con đủ trồng ít rau và bụi chuối mà theo cách gọi của ông là để “tăng gia” cho bữa cơm hàng ngày của 2 bố con thay cho thịt cá.

Ông Mai bảo, mỗi khi nhà máy có việc, ông vẫn được tạo điều kiện đến làm thuê nhưng chỉ thời vụ khoảng đôi ba tháng. “Mà ở tuổi này, chẳng ai còn muốn thuê mướn tôi làm gì” – ông khổ sở nói.

Lúc tôi đề cập đưa hoàn cảnh của 2 bố con ông lên chuyên mục Vòng tay yêu thương, ông Mai ái ngại lắm. Sau khi biết chúng tôi đưa thông tin để những người đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc của người mẹ đã khuất của Hà My biết đến để chia sẻ, quan tâm đến cháu hơn  – đây là một tinh thần nhân văn truyền thống của ngành Điện, ông Mai đã đồng ý. Ông bảo, mong muốn lớn nhất hiện giờ là tìm được chỗ làm thuê, dù chỉ là thời vụ để còn dành dụm cho con sau này còn có cơ hội đi học đại học, bởi ông ngày một già thêm, nhỡ ra… thì Hà My biết trông cậy vào ai.

Phía trước Hà My là chặng đường đời còn nhiều gian nan, thử thách, rất cần sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của những tấm lòng hảo tâm để được ăn học trở thành người công dân có ích và làm yên lòng người mẹ một thời là nữ thanh niên xung phong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng chẳng may bạc phận, không có cơ hội chăm sóc, nuôi dưỡng đứa con gái duy nhất của mình.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Ông Nguyễn Đức Mai

Thôn Tè, xã Hợp tiến, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

SĐT: 01679639119

 


  • 30/05/2012 05:21
  • Nguyễn Thị Thậm
  • 3298


Gửi nhận xét