Cho con cái Tết trọn vẹn

Khi thấy con lúng túng “định nghĩa”: “Tết là… bánh chưng, dưa hấu”, “Tết là được ăn nhiều mứt”, “Tết là được người lớn lì xì”, chắc hẳn bạn không khỏi bật cười. Hóa ra, những bận bịu của bố mẹ nhiều khi khiến trẻ con không còn được thật sự trải nghiệm không khí Tết truyền thống như trước kia.

Bố mẹ hãy bỏ chút thời gian để con đón cái Tết theo đúng truyền thống dân tộc - Ảnh minh họa.

Tiếc vì con không được trải nghiệm Tết
 
Không giấu nổi nụ cười bối rối, chị Nhật Phượng (Quận Thủ Đức) chia sẻ: “Công việc của mình và ông xã ở công ty khá bận. Vì vậy, dù con được nghỉ Tết sớm, nhưng ba mẹ chỉ biết gửi cháu cho bà, mở sẵn các chương trình tivi và trò chơi điện tử, hy vọng con chơi ngoan một mình. Nhiều lúc thấy rất thương và bật cười khi con hỏi những câu như: “Ông Táo có thật không mẹ, có phải là ông bán táo ngoài chợ? Mẹ ơi, sao mình không mua con cá to hơn để ông Táo đi cho nhanh? Muốn dành thời gian cho con thật sự trải nghiệm Tết, hiểu rõ từng phong tục ngày Tết, nhưng quả thật không dễ dàng gì”.
 
Với gia đình anh Đức Huy (Quận 1), dù công việc không đến nỗi quá bận rộn, song hai vợ chồng lại “vấp” vào một khó khăn khác: Thằng bé là cháu đích tôn nên ông bà cưng lắm. Giáp Tết, mình mới bảo con phụ mẹ nhặt lá mai, bà đã ngăn: "Thôi, thằng Bin quanh năm toàn phải đi học. Được mấy ngày nghỉ cho nó chơi chứ sao lại kêu nó làm mấy việc đó? Để đó bà làm cho!". Thằng bé mon men xuống bếp, háo hức xin: "Mẹ ơi, cho con gói bánh tét với", bà cũng bảo: "Dưới bếp dơ lắm, con xuống đây một hồi là lấm lem hết cho coi. Lên nhà trên xem phim hoạt hình đi". Bà nội bao bọc, nuông chiều cháu quá nên hai vợ chồng chưa có cơ hội để con tham gia vào hoạt động chuẩn bị Tết nào khác cả, anh Huy chia sẻ.
 
Tết đúng nghĩa...
 
Nỗi băn khoăn con không có cái Tết đúng nghĩa cũng là nỗi niềm chung của không ít phụ huynh. Vì thế, nhiều bậc phụ huynh nhận ra sự thiệt thòi của con mình so với mình ngày trước, mặc dù cuộc sống vật chất đã đủ đầy hơn. Mặc cho năm nào Tết cũng đến, bé cũng được ăn Tết, được diện áo mới, được ba mẹ lì xì nhưng bé lại có quá ít cơ hội trải nghiệm, “tiếp xúc” trực tiếp với Tết.
 
Không phải vô cớ khi nhiều người bảo vui nhất chính là mấy ngày giáp Tết, từ thời điểm đưa ông Táo về trời đến tối giao thừa. Tất cả sự háo hức đều gói trọn vào đấy. Trong ký ức của mỗi người, khi nghĩ về Tết, sẽ thấp thoáng hiện lên hình ảnh mấy anh em quây quần phụ rửa lá dong cho mẹ gói bánh, chuyện tíu tít theo ông ra vườn lặt lá mai. Cả chuyện quét dọn bếp thật tinh tươm để bày mâm cỗ cúng đưa ông Táo về trời hay những cái chắp tay thành kính và ngây thơ của ngày còn bé, mong ông Táo báo những điều tốt lành của gia đình dường như theo mãi đến khi con trưởng thành, khôn lớn. Hơn hết, trẻ còn biết yêu hơn chính gia đình mình qua những giây phút cùng xôn xao dọn dẹp chờ Tết đến. 


  • 15/01/2014 11:11
  • Tổng hợp theo Afamily
  • 1434


Gửi nhận xét