Chuyện ngày Tết

“Điện với đài, giờ này sao lại cúp vậy”. Tiếng của ba thở dài khi bữa cơm tối của gia đình bị dang dở. Má lọ mọ đi tìm chiếc đèn cầy thắp đỡ trong lúc chờ có điện. Bữa cơm tối của gia đình tôi cũng nhanh chóng trôi qua. Thằng em kêu nóng, ba than không xem được thời sự, má thì còn nhiều việc chưa làm xong…Nhưng cũng vì cúp điện mà cả nhà tôi có một buổi tối vui vẻ bên hiên nhà.

Từ ngày có điện, ánh đèn dầu trở nên “xa xỉ” khi ít người dùng đến. Điện quá đỗi thân thuộc và cần thiết nên chỉ có thiếu điện chưa đầy một tiếng đồng hồ mà cả nhà đã khó chịu rồi. Tôi - đứa con gái làm trong ngành Điện cảm thấy áy náy nên cố gắng giải thích: “Tết này nhu cầu dùng điện tăng cao nên có khi nhảy aptomat hoặc chập điện ở đâu đó. Một tí là có điện thôi ạ”.

Anh em công nhân Điện lực Núi Thành sửa chữa khắc phục sự cố. Ảnh minh họa

Tôi đoán sự cố vì biết trong những ngày Tết ngành Điện thông báo không cắt điện để sửa chữa, mà cấp điện liên tục để phục vụ người dân trên địa bàn. Để làm được như vậy, ngành Điện Quảng Nam đã phải dự kiến nguồn tại chỗ, các phương án kết lưới, hoán chuyển công suất, rồi đến việc tăng cường trực vận hành. Sự cố tối nay là trường hợp khách quan. Chắc giờ này các anh công nhân điện đang hối hả đến hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân. Hẳn là cũng chưa cơm nước gì!

Đó là câu chuyện khiến tôi không nguôi suy nghĩ về những vất vả của những người công nhân vận hành đường dây và trạm biến áp. Họ giống như những người lính phải tăng cường trực chiến, giữ cho dòng điện vận hành an toàn, thông suốt trong những ngày Tết. Trực vận hành vào những ngày bình thường, trời mưa, trời nắng cũng đủ vất vả, trực trong ngày Tết lại càng nhiều áp lực. Để có thể đến được các điểm sửa chữa, sớm cấp điện trở lại cho bà con, đặc biệt trong những ngày Tết, cần lắm sự nhiệt tình, trách nhiệm của người công nhân điện. Họ phải luôn trong tư thế sẵn sàng, khi có lệnh phải lập tức lên đường, mặc cho trời khuya, mặc cho bên ngoài người ta đang đếm ngược từng giây để bước sang năm mới với màn pháo hoa lung linh, rực rỡ.

Anh Nguyễn Tấn Nhật – công nhân Điện lực Núi Thành cho biết: Đã gần 8 năm làm lính đường dây, Tết năm nào chúng tôi cũng tăng cường trực vận hành để kịp thời xử lý sự cố. Lo nhất là đêm giao thừa, nhu cầu phụ tải tăng cao nên dễ xảy ra sự cố. Đã không ít lần chúng tôi đón giao thừa bên đường dây và trạm biến áp.

Còn anh Trần Đình Vỹ - công nhân Điện lực Nam Giang chia sẻ: Tết trên vùng núi cao không nhộn nhịp như dưới đồng bằng. Nhưng người dân ở đây sống rất tình cảm nên chúng tôi cũng thấy ấm áp. Còn nhớ những ngày trước Tết, anh em chúng tôi phải tăng cường thi công kịp thời đóng điện cho 200 hộ dân xã La Êê (huyện Nam Giang) ăn Tết. Ngày đóng điện, bà con nơi đây vui mừng lắm. Anh em chúng tôi cũng cố gắng làm sao cho người dân ở đây đón cái Tết có điện đầu tiên được trọn vẹn.

“Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 4 xã chưa có điện là: Ch’Chun (Nam Giang), Tr’Hy, Ch’Ơm (Tây Giang) và Phước Lộc (Phước Sơn). Các xã này nằm trong dự án cấp điện của tỉnh giai đoạn 2013 – 2020. Năm 2015, Công ty phấn đấu 100% số xã trên địa bàn có điện. Đây là mục tiêu cũng là nỗi trăn trở của ngành Điện Quảng Nam”, anh Lê Bá Vỹ - Phó Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết.

PC Quảng Nam đã rất nỗ lực trong quá trình cấp điện cho người dân đặc biệt trong dịp Tết, bởi đây là nhiệm vụ chính trị, cũng là trách nhiệm của những người khoác trên mình chiếc áo cam. Với những cố gắng đó, trong thời gian nghỉ Tết, ngành Điện Quảng Nam đã không để xảy ra sự cố lớn, cấp điện đảm bảo nhu cầu của khách hàng.


  • 04/03/2015 09:11
  • Hoàng Phương
  • 894


Gửi nhận xét