Chuyện… "sale"!

“Sale” là một từ tiếng Anh khá phổ biến ở Việt Nam, dù là người dân nông thôn hay thành thị “một chữ bẻ đôi” tiếng nước ngoài không biết, hay thậm chí là em bé tuổi mẫu giáo nếu hay được bố mẹ cho đi shopping cũng có thể hiểu được. “Sale” nhan nhản trên khắp mọi nẻo đường, từ phố lớn đến các ngõ nhỏ và có không ít câu chuyện ngộ nghĩnh về “sale”.

Tôi là một tín đồ của hàng sale. Xung quanh cơ quan tôi và dọc đường đi làm về có rất nhiều các hãng thời trang nổi tiếng như Emspo, Elise, Seven am, Fiona, Playboy. Nếu bạn là phụ nữ, chắc hẳn khó có thể cưỡng lại được những banner với những con số to tướng bắt mắt như Sales 70%, 50%, 40% hay 199, 299 k… Chả biết có mua được hay không nhưng “không thể đừng” việc vào cửa hàng “ngó nghiêng ngắm nghía” và khi bạn đã mua dù chỉ một lần, các em bán hàng kiểu gì cũng “nhập” được số điện thoại của bạn và dăm bữa lại có những tin nhắn rất mời gọi khó cưỡng, đại loại như “Emspo sale 70% toàn bộ sản phẩm giờ vàng từ 14 h – 20 h trong 2 ngày…”.

Tôi cũng đã từng hăng hái “bon chen” trong giờ vàng của hãng thời trang này. Đông đến nỗi vỉa hè không còn chỗ để dựng xe (khác hẳn với ngày thường vắng hoe lác đác có vài chiếc xe máy). Mấy anh trông xe ngán ngẩm hua hua tay, hết chỗ rồi, một lúc nữa quay lại nhé. Vào đến cửa hàng thì người như nêm, chen lấn xô đẩy nhau để lựa, chọn và thử. Hai phòng thử đồ chật cứng, 2 - 3 người chen chúc cùng thử mà vẫn trong tình trạng quá tải. Thậm chí chị em trên tầng 2 còn nhấm nháy nhau, toàn phụ nữ với nhau, thay luôn ở ngoài cho nhanh, chả cần vào phòng thay (cửa hàng 2 tầng và có phòng thay đồ ở tầng 2).

Chị em nào chọn được đồ ưng ý thì mặt mũi hớn hở vì mua được rẻ, nhưng đến khi xuống tầng 1 thanh toán thì ôi thôi, một dãy dài đang xếp hàng chờ thanh toán tiền không khác gì thời bao cấp, í ới, nhốn nháo, thậm chí cãi nhau vì tội “chen ngang”. Có người đành “bỏ của chạy lấy người” vì không đủ thời gian và kiên nhẫn để chờ thanh toán.

Một lần khác, tình cờ đọc trên mạng có thông tin của một em sale 70% để nghỉ bán cửa hàng giầy, kèm theo những bức hình hàng chục đôi giày Việt Nam xuất khẩu rất đẹp và lời nhắn ở nhà còn rất nhiều mẫu khác. Tò mò, tôi theo địa chỉ tìm đến. Chắc có lẽ phải mất khoảng 45 phút tìm đường, 2 -3 lần định quay về, nhưng tặc lưỡi đã tìm được 2/3 quãng đường rồi cứ cố đến xem có mua được gì không. Mua được đồ rẻ và đẹp thì ai chẳng ham. Cuối cùng thì tôi cũng tìm được ngôi nhà nằm ngoằn nghoèo trong một hẻm nhỏ. Không phải cửa hàng mà là nhà riêng. Sau khi bấm chuông, một “thím” U50 ra mở cửa, mặt khó đăm đăm hỏi: “Đến mua giầy à, vào nhà đi” . Trông thấy tôi đang đi một đôi giầy bệt, thím nói luôn: “Ở đây chỉ có giầy cao gót thôi, không có giầy thấp, có mua không?”...

Thím dẫn tôi lên tầng 2 của ngôi nhà, cúi xuống lôi từ trong gầm giường ra khoảng 6 đôi giầy, xăng đan vẫn còn mới nguyên mác, nhưng nhăn nhúm và bụi bặm vì bị nhét trong gậm giường rồi cau có: “Đấy, cô xem đi vừa đôi nào thì đi, cố gắng mà mua hết, giá rẻ như bèo. Con gái tôi kinh doanh thua lỗ nên mới phải bán tống bán tháo. Giá chẳng bằng đôi dép nhựa. Cố lấy hết về mà đi”. Mua giầy thì cũng phải vừa chân mới đi được chứ, mà quảng cáo thì rõ hay, đến thì có mỗi mấy đôi lèo tèo. Cuối cùng tôi cũng cố chọn được một đôi cho bõ công, nhưng rước bực vào mình vì gặp phải bà thím bán hàng cau có và mất công đi lại, tự hứa với lòng mình từ giờ không tin những lời quảng cáo “đường mật” trên mạng internet nữa.

Có hàng trăm, hàng nghìn kiểu sale. Có nơi sale thật, có nơi tăng giá lên rồi sale xuống, thậm chí có nơi ghi biển sale nhưng khi vào cửa hàng họ chỉ có vài mặt hàng sale còn lại vẫn bán đúng giá. Bạn hãy là người mua hàng sáng suốt nhé!

 


  • 17/08/2013 10:59
  • Giang Anh
  • 2947


Gửi nhận xét