Hậu quả

Một người thợ xây đã làm việc rất chuyên cần trong nhiều năm cho một hãng thầu xây dựng. Một ngày kia, ông ngỏ ý muốn xin nghỉ việc về hưu sớm để có nhiều thời gian hơn chăm sóc cho gia đình.

Ảnh minh họa

Hãng thầu rất tiếc khi thiếu đi một người thợ giỏi và tận tụy như ông. Hãng đề nghị ông bố trí ở lại giúp hãng hoàn thành một căn nhà trước khi thôi việc. Ông ta nhận lời.

Vì biết mình sẽ giải nghệ, cùng với sự miễn cưỡng khi nhận lời, ông ta làm việc một cách tắc trách qua quýt.

Mấy tháng sau, căn nhà hoàn thành. Người chủ hãng mời ông đến, trao cho ông chiếc chìa khóa của ngôi nhà và nói: “Ông đã gắn bó và làm việc rất tận tụy với hãng trong nhiều năm, để thưởng cho sự đóng góp của ông, chúng tôi xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong”.

Người thợ già bàng hoàng. Nếu biết sẽ xây cất căn nhà cho chính mình thì hẳn ông ta đã làm việc cẩn thận hơn và chọn lựa những vật liệu tốt hơn. Sự làm việc tắc trách chỉ có mình ông biết và nay thì ông phải sống với căn nhà mà ông biết rõ là kém chất lượng như thế nào.

Câu chuyện người thợ xây cũng tương tự như chuyện đời của chúng ta. Cũng như người thợ già kia, chúng ta thường tạo dựng một đời sống hào nhoáng, tạm bợ, đua đòi không chú trọng tới phẩm chất của nó. Nhiều khi ngồi kiểm điểm những bê bối của mình trong quá khứ, chúng ta thấy mình đang phải gánh những hậu quả của nó.

Cuộc đời là một công trình kiến trúc do chính mình tạo nên. Đời sống hiện tại là kết quả của sự tạo dựng trong quá khứ, đời sống ngày mai sẽ là kết quả của sự tạo dựng ngày hôm nay.


  • 27/05/2013 04:22
  • Theo Quatructuyen.com
  • 1810


Gửi nhận xét