Chuyện về “Tuấn ròm”, thợ truyền tải điện trên miền đất võ

Trần Hồng Tuấn với biệt danh “Tuấn ròm” (cán bộ Truyền tải điện Bình Định – Quảng Ngãi, Công ty Truyền tải điện 3) đến với ngành Điện như một duyên nghiệp của cuộc đời. Là một "cậu ấm" của một cán bộ địa phương, tháng 11/1992, anh được giám đốc Sở Truyền tải điện 1 ngày ấy (nay là Công ty Truyền tải điện 2) Trần Thái Thuỳ nhận vào làm việc, kèm theo một câu ngắn gọn “Làm không được, đuổi!...”. Vừa mừng, vừa lo, anh miệt mài với công việc...

Anh Trần Hồng Tuấn

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tây Sơn, quê hương người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, từ nhỏ “cậu ấm Tuấn” luôn được mọi người yêu mến bởi có cá tính, độc lập trong suy nghĩ, không ỷ lại vào gia đình, đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn của bà con hàng xóm.

Tốt nghiệp phổ thông trung học năm 1989, anh tự tìm lối đi cho riêng mình, tách biệt hoàn toàn với con đường trải hoa hồng bố mẹ đã chọn. Anh tâm sự: “Ngày ấy, khi nộp hồ sơ xin học lớp công nhân tại Trường Công nhân kỹ thuật điện Hội An, bị gia đình phản đối kịch liệt, nhưng bố mẹ cũng biết tính mình đã quyết là không ai lay chuyển được, vả lại “mưa dầm thấm lâu” nên sau rồi bố mẹ cũng hiểu, tin tưởng, ủng hộ và động viên mình cố gắng”.

Năm 1991 anh ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Anh đến với ngành Điện như một duyên nghiệp của cuộc đời. Tháng 11/1992, anh được giám đốc Sở Truyền tải điện 1 ngày ấy (nay là Công ty Truyền tải điện 2) Trần Thái Thuỳ nhận vào làm việc, kèm theo một câu ngắn gọn “Làm không được, đuổi!...”.

Vừa mừng, vừa lo, nhưng bằng những gì học được ở trường và sự say mê, năng động sáng tạo của tuổi trẻ cùng sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của các anh chị đồng nghiệp đi trước, anh miệt mài với công việc… Chỉ trong thời gian ngắn, anh đã đáp ứng được mọi yêu cầu của ông giám đốc Trần Thái Thùy nổi tiếng khó tính, cẩn trọng trong chuyên môn, hoàn thành xuất sắc mọi  nhiệm vụ được giao.

Tháng 6/1993 anh được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Quản lý vận hành (QLVH) đường dây 110 kV Vĩnh Sơn - Quy Nhơn. Cũng từ đó, Trần Hồng Tuấn được đồng nghiệp gắn với biệt danh “Tuấn ròm” vì con người anh trông rất "mảnh mai", nhưng với bất cứ nhiệm vụ gì, dù khó khăn đến mấy, “Tuấn ròm” cũng hoàn thành xuất sắc.

Tháng 4/1994, đơn vị anh sáp nhập về Đội Truyền tải điện 3, Sở Truyền tải điện 2, (nay là Truyền tải điện Bình Định - Quảng Ngãi, thuộc Công ty Truyền tải điện 3). Niềm vui vì được làm công việc mình yêu thích trên chính quê cha đất tổ càng khiến anh thêm hăng say cống hiến. Lúc này, lưới điện quốc gia trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên cũng đang trong thời kỳ hoàn thiện, công việc của “lính truyền tải” khó khăn vất vả hơn nhiều, các anh vừa đảm nhiệm công tác QLVH vừa tăng cường thi công tại các công trình mới khi có lệnh điều động. Với trách nhiệm là người tổ trưởng, đứng đầu trong tổ lao động trực tiếp, anh luôn có mặt tại các công trường xây dựng, sửa chữa đường dây, cùng anh em quản lý, vận hành an toàn, ổn định hàng trăm km đường dây truyền tải trên dọc truyến Vĩnh Sơn - Quy Nhơn.

Những đêm mưa trên lán trại nơi công trường hay phút giải giao hiếm hoi sau những giờ lao động mệt nhọc, lính truyền tải thường quây quần bên nhau ôn lại những kỷ niệm buồn vui một thời gian khó, chiêm nghiệm những việc đã làm. Những lần ấy, cái biệt danh “Tuấn ròm” luôn được nhắc đến trong tiếng cười thân thương, ngưỡng mộ.

Anh Ngô Gia Hoài, Phân xưởng QLVH đường dây Quy Nhơn, Chi nhánh điện cao thế Bình Định, chia sẻ: “Nghề điện, nhất là công việc quản lý vận hành đường dây không chỉ khó khăn mà hiểm nguy luôn rình rập, chỉ cần một chút sơ sót trong thi công là có thể dẫn đến tai nạn lao động. Tôi mê “ông Tuấn ròm” ở cách bố trí công việc khoa học, hợp lý, biết phát huy điểm mạnh ở từng anh em, làm nên sức mạnh tập thể. "Tuấn ròm" luôn thẳng thắn, chân thành, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và nhất là tính kỷ luật trong lao động với tinh thần làm việc “quân lệnh như sơn”. Khi ra đến công trường là ai vào việc nấy, không nói nhiều, công tư phân minh”.

Anh Liễu Vạn Tuế, nhân viên Tổ QLVH đường dây Truyền tải điện Bình Định cho biết: “Anh ấy là tổ trưởng nhưng không ngồi “chỉ tay năm ngón”, luôn “thấu tình đạt lý” trước mọi vấn đề. Việc nào khó khăn, anh em không làm được, anh chủ động làm. Ra công trường, “ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu”, chia sẻ khi gia đình anh em gặp khó khăn. Việc gì giúp được mọi người là anh ấy làm ngay. Chúng tôi luôn tin tưởng và coi anh như là anh cả trong đại gia đình anh em đường dây Truyền tải điện Bình Định - Quảng Ngãi”.

Được sự động viên, tạo điều kiện từ lãnh đạo Truyền tải điện Bình Định – Quảng Ngãi, anh đã sắp xếp thời gian hợp lý cho công tác chuyên môn, gia đình, để tiếp tục học tập nâng cao trình độ. Năm 2002, anh hoàn thành chương trình đại học, cầm trong tay văn bằng kỹ sư điện.

Chia sẻ về những cống hiến, gian khổ, hi sinh thầm lặng của người thợ đường dây truyền tải điện, nhất là trong những ngày lễ tết, những đêm giá rét, bão giông khi nhà nhà, người người sum họp bên gia đình, người thân trong chăn ấm, nệm êm, thì các anh vì nhiệm vụ phải băng rừng, trèo đèo, lội suối… “Tuấn ròm” tâm sự: “Anh em luôn xác định, mỗi người, mỗi việc, mỗi nghề có những khó khăn riêng.

Thợ đường dây truyền tải đã quen rồi chuyện băng đèo lội suối, chuyện phải đi hàng chục cây số đường rừng lần theo tuyến để kiểm tra định kỳ hay xử lý sự cố đêm mưa… Chúng tôi cũng có niềm tự hào và hạnh phúc của riêng mình. Đó là, mỗi sớm tinh sương, khoác lên mình bộ trang phục bảo hộ lao động màu xanh đặc trưng của người thợ truyền tải điện, đầu đội mũ bảo hộ, lưng dây an toàn, ngực ống nhòm, tay rựa phát tuyến, cơm nắm, bi đông… “nhảy vọt” lên xe trong làn gió mát lạnh và những cái vẫy tay chào của anh em. Theo tuyến dây băng qua các bản làng, núi rừng trong “bình yên khúc nhạc của cung đàn điện”, nhìn những giọt sương đêm cạn dần trên kẽ lá, lòng thấy thật an lành, ấm áp, yên vui ”...  

Những mẩu chuyện về “Tuấn ròm” thường được kể để làm gương, động viên tinh thần anh em trong Tổ khi gặp phải những khó khăn, thử thách trên tuyến hay trong công việc hằng ngày. Sau mỗi câu chuyện là nụ cười sảng khoái của mọi người như nhắc nhở lẫn nhau cố gắng vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý vận hành đường dây truyền tải điện.


  • 20/06/2013 04:17
  • Nguyễn Thị Tầm
  • 2524


Gửi nhận xét