Theo đó, trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, đóng thấp hơn mức đóng của người thuộc diện bắt buộc tham gia, chiếm dụng tiền đóng hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (trốn đóng), bị cơ quan BHXH, cơ quan có thẩm quyền phát hiện từ ngày 1/1/2016, thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng.
Cơ quan BHXH có trách nhiệm hằng tháng gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, trong đó ghi rõ số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng (nếu có).
Đối với các khoản chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị sử dụng lao động đến cuối năm 2014 (nếu có), cơ quan BHXH yêu cầu đơn vị sử dụng lao động nộp đủ theo quy định; ngân sách nhà nước không hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với trường hợp này.
Từ năm 2015, việc hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về lập dự toán toán thu, chi BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp thất nghiệp theo phương thức ký hợp đồng với tổ chức làm đại lý chi trả; chi phí quản lý đối với BHXH Việt Nam, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp; phương pháp xác định tiền lãi chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp....
Thông tư số 20/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3 và áp dụng từ năm ngân sách 2016.