"Nói tức" ở mức…thượng thừa!
Làng Đông Loan thuộc xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Bao đời nay, ngôi làng này đã nổi tiếng với văn hóa “nói tức”. Sống, làm việc, tiếp xúc với người Đông Loan hàng ngày mới thấy, người dân nơi đây đúng là rất lạ. Biệt tài “nói tức” của họ đã đến mức “thượng thừa,” không đâu sánh kịp. Tức mà vẫn phải bật cười, thế mới thú vị chứ!
Tôi đến tìm ông Tạ Văn Hồng (Giám đốc HTX Tiêu thụ điện xã Lãng Sơn) nhưng nhà ông cửa đóng, then cài. Thấy bà hàng xóm bên cạnh, tôi hỏi:
- Bà có biết ông Hồng đi đâu không ạ?
- Ôi dời, ông ấy như “ma không hồn” biết đâu mà tìm.
Tôi ngớ người ra, hỏi lại:
- Bà nói vậy nghĩa là thế nào?
- Ma còn có hồn, gọi về được, ông này vẫn còn sống, không có hồn, cứ đi suốt ngày, làm sao tôi biết được!
Đấy, mới gặp một người phụ nữ làm nghề vặt lông gà đã thấy “tức”, gặp phải những “cao thủ”, thâm hậu hơn thì “đỡ” không kịp cũng phải thôi.
Cuối cùng, tôi cũng gặp được ông “ma không hồn” Tạ Văn Hồng- Giám đốc HTX Tiêu thụ điện xã Lãng Sơn. Hỏi ông có tức khi hàng xóm nói vậy không, ông tưng tửng bảo, nếu tức thì lấy đâu ra sức mà làm việc.
Hỏi chuyện về truyền thống "nói tức" của làng, ông Hồng cho rằng, văn hóa nói tức có cội nguồn từ làng Đông Thượng và làng Đại Khánh cũ (chính là làng Tân Mỹ hiện nay). Khi người dân "nói tức" thường không có biểu hiện gì trên khuôn mặt vì đó là cách nói hàng ngày của họ. Họ nói không để người nghe quá tức, mà thường nói đúng, giúp cho người đối thoại chỉn chu hơn trong lời ăn, tiếng nói.
Thậm chí, ông Hồng còn khẳng định, bất kể người nào đến vùng này, khi tiếp xúc với người dân đều cảm thấy buồn cười, bởi ứng xử hàng ngày, phản xạ của họ sẽ khác hẳn so với dân nơi khác.
Để khẳng định lời nói của mình, ông kể cho tôi câu chuyện vài năm trước, khi cùng một người thợ đi sửa điện. Hôm đó, trời mưa, khi đang sửa điện ở cột cạnh nhà một cô gái trẻ góa chồng, cô này mới bảo:
- Anh ơi, lát anh vào bóp cho em một tí.
Nghĩ bị cô này trêu, anh thợ đồng nghiệp mới đùa lại:
- Thôi, chuyện ấy phải để đến tối.
Lúc sau nghĩ lại, hai ông thợ chợt hiểu ra, trời mưa, điện chập chờn, cô kia nhờ hai người “bóp dây điện” để cho điện ổn định chứ không có ý bông đùa. Hai người thợ nghĩ ra, bỗng cùng phá lên cười.
Anh Thái Thanh Xuân - Phó Giám đốc Điện lực huyện Yên Dũng cũng kể cho tôi nghe những đoạn đối đáp kiểu chơi chữ tài tình, làm người nghe vừa tức, vừa buồn cười.
Có thợ mua lợn qua làng, gặp mấy ông bà ngồi hóng mát dưới bóng tre, vội hỏi:
- Các cụ ở đây biết nhà nào bán lợn dở không?
- Ở đây không có đâu, cứ ấm ấm đầu là người ta thịt bán rồi chứ không chờ đến khi bị dở.
- Ý tôi là loại lợn đang nuôi dở ấy!.
- Thì anh phải nói rõ là lợn đang nuôi dở, chứ tôi lại tưởng cái loại lợn “dở dở ấm đầu” thì làng tôi không có.
Có anh đi bán màn cứ rao ra rả “Ai màn khung đê…”. Trưa hè nóng bức, nghe anh ta rao như thế khó ngủ quá, cụ Thịnh mới gọi anh vào, pha trà, rót nước đàng hoàng mời uống, xong cụ bảo:
- Anh ra vườn mắc cho tôi một cái, vườn nhà tôi nhiều muỗi lắm.
- Sao lại mắc ở vườn hả cụ? Con không mắc được đâu.
- Đê dài như thế anh còn mắc được, sao vườn nhà tôi ngắn thế này anh lại bảo không mắc được?...
Người Đông Loan không e dè bất cứ đối tượng nào, cứ “hở ra” là nói tức. Bố nói tức con, chồng nói tức vợ…
Tập thể dục cho… não
Người dân Đông Loan ham đọc sách, hay chơi chữ, vì vậy nếu nói chuyện với người Đông Loan, người ta cũng luôn phải “cân não”. Tức cũng có, nhưng thường là vui nhiều hơn. Bị “chỉnh” cách nói chuyện xong, mà nhiều khi chưa thấy buồn cười ngay, có khi mất cả ngày mới hiểu cái sự tinh tế, nhạy bén của người làng này khi giao tiếp.
Ông Bùi Thanh Quang, một họa sĩ quân đội về hưu là người Đông Loan kể rằng, từ khi ông còn bé tí đã thấy các cụ “nói tức” với nhau. Hồi đó, thấy cũng bình thường, sau này đi thoát ly xa nhà nhiều năm, gặp lại người cùng quê mới thấy, văn hóa “nói tức” ở đây rất đặc biệt. Theo ông Quang, người Đông Loan “nói tức”, chẳng qua là muốn uốn nắn cách hỏi, cách nói chưa chỉn chu, chưa rõ đầu cuối. Thêm cái giọng nằng nặng đặc trưng của vùng quê, người nghe mới đầu cảm thấy rất khó chịu. Nhưng về sau, họ dần hiểu ra, cách hỏi của mình chưa thực thoát ý mà thôi.
Ông Quang cũng kể cho tôi nghe vài câu chuyện từ ngày xưa. Chuyện rằng, có ông mới mua được chiếc xe đạp Thống Nhất mới coong nên rất ham tập đi. Hôm ấy, đạp xe ra phố huyện, ông không biết rẽ đường nào. Đang phân vân, bỗng thấy người phía trước vừa đạp xe vừa giơ tay xin đường. Trong lúc luống cuống, không kịp xử lý, xe của ông tông vào xe phía trước, cả hai người ngã lăn ra đường.
Người đi phía trước quay lại mắng:
- Ông đi đứng kiểu gì thế? Người ta đã giơ tay xin đường rồi mà còn đâm vào.
- Anh nói buồn cười thật. Anh bảo anh xin đường, nhưng tôi đã đồng ý chưa?
Còn nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Có ông cụ dắt đứa cháu đi chơi trên đường làng. Hai ông cháu vừa đi vừa đùa, đằng sau bỗng có tiếng chuông xe đạp. Thấy thế, ông cụ mới kéo đứa cháu sang bên phải. Quýnh quáng thế nào, người đạp xe cũng đánh ghi đông sang bên phải. Ông cụ lại kéo cháu sang bên trái. Theo đà, người đạp xe lại lạng sang trái. Cuối cùng không làm chủ được tay lái, người đạp xe ngã kềnh ra giữa đường. Đứng dậy, anh này vội trách:
- Sao con đã xin đường rồi mà cụ không tránh?.
- Cái nhà anh này hay nhỉ? Đường của làng, anh xin tôi sao dám cho.
Tìm hiểu về nguồn gốc của văn hóa “nói tức”, họa sĩ Bùi Thanh Quang cho rằng, có lẽ cách nói này xuất phát từ nguồn gốc nơi đây vốn là đồng chiêm trũng. Do lao động cực nhọc vất vả, nên trong câu chuyện nói với nhau hàng ngày, mọi người cũng rất tranh thủ, nói nhanh như thế để gây ra tiếng cười, đỡ mệt nhọc. Dần dần tính hài hước ăn vào máu của người dân và tạo nên văn hóa độc đáo.
Cũng có giả thiết cho rằng văn hóa này xuất phát từ những người phụ nữ Đông Loan xưa. Gái làng này vốn mỏng mày hay hạt, nhanh nhẹn, đảm đang và hơi tinh nghịch. Thế nên, cách nói châm biếm một phần từ những cô gái này mà hình thành nên.
Mỗi câu chuyện thường ngày tưởng bình dị, nhưng qua cách thể hiện của người dân Đông Loan dường như đã trở nên đặc sắc, thâm thúy, sâu cay hơn. Tức thì tức đấy, nhưng đằng sau những câu nói là cả sự tinh tế, pha chút hóm hỉnh mang bản sắc rất riêng của Đông Loan. Chẳng thế mà có câu ca “Đông Loan nói tức để chơi/ Người nghe vừa bực, vừa cười, vừa khen”.