Đến bao giờ
Khi 38 tuổi, tôi đắn đo về việc mình có nên học thêm 2 năm chuyên ngành chụp X quang hay không. Tôi nói chuyện này với một người bạn thân và gần như đã tự thuyết phục mình nên từ bỏ.
Tôi nói: "Tao quá già để đi học rồi. Tao sẽ nhận bằng khi 40 tuổi". Rồi đứa bạn tôi nói một câu rất thấm: "Nếu không đi học, mày vẫn sẽ 40 tuổi, nhưng lại không có bằng".
Bây giờ tôi đã gần 60 tuổi, và nhờ chiếc bằng đó tôi đã có một cuộc sống khá giá, chứ không vất vả như xưa.
Sợ hãi đúng lúc
Mẹ tôi sắp ra đi. Đứa bạn bảo tôi: "Mày có cả cuộc đời để hoảng sợ về chuyện này rồi – đừng làm đứa mềm yếu trước mặt bà ấy vào lúc này".
Câu nói đó thực sự giúp tôi hiểu rằng những cảm xúc của tôi không phải lúc nào cũng là thứ quan trọng nhất. Người ta vẫn có thể trì hoãn sự sợ hãi của mình lại và kỹ năng này đã cứu cuộc đời rất nhiều lần.
Tấm gương
Tôi là anh trai cả. Tôi có một đứa em trai nhỏ hơn 2 tuổi, và một đứa em gái nhỏ hơn 9 tuổi. Khi học lớp 7, tôi cãi vã với cha về một điều gì đó tôi không nhớ.
Cha tôi, người con lớn thứ 2 trong một gia đình 8 con, nói với tôi rằng: "Bất cứ việc gì con làm trong ngôi nhà này, con sẽ làm 3 lần. Một lần con làm nó, một lần em trai con làm nó khi bắt chước con, và một lần em gái con lại làm nó khi bắt chước 2 anh trai nó. Cách con đối xử với em trai sẽ dạy nó cách đối xử với em gái con; và cách em trai con đối xử với em gái lại dạy cho nó sự kì vọng về cách cuộc đời này sẽ đối xử lại với nó, thậm chí còn ảnh hưởng lên cả kì vọng về bạn trai tương lai của nó".
Câu nói này của cha làm tôi sốc và khiến tôi suy nghĩ lại vai trò anh cả của mình. Kể cả khi bạn không chủ động ảnh hưởng đến những người xung quanh bạn, những người trông cậy và tôn trọng bạn vẫn sẽ đưa ra các quyết định của họ, dựa trên một phần, cách bạn xử lý những tình huống tương tự.
Nếu bạn stress, tức giận và gục ngã khi gặp chuyện gì không may mắn trong đời, những người khác cũng nghĩ mình nên phát điên như bạn khi có chuyện gì tương tự xảy ra với họ.
Nhưng nếu bạn vẫn vững vàng trong những tình huống khó khăn, bạn có thể truyền cảm hứng để họ tin rằng bản thân mình có làm điều tương tự.
Trân trọng
Cha tôi có lần cho tôi và cậu em mỗi đứa 5 nghìn. Tôi cáu kỉnh và nói rằng: "Cha à, chỉ là 5 nghìn thôi mà, con không lấy đâu".
Ông thực sự nổi giận và mắng bọn tôi, "Đừng bao giờ thử trả lại thứ gì mà người khác tặng con. Đó có thể là tất cả những gì họ có và là một sự hy sinh lớn với họ".
Nỗi sợ
Hồi đó, tôi học lớp 6, cố gắng dạy bơi cho đứa em gái 6 tuổi của mình. Công việc này khá vất vả vì con bé thực sự rất sợ xuống nước. Chúng tôi đang ở một bể bơi công cộng rất lớn, và gần đó có một bà lão, chắc cũng phải 75 tuổi, đang chầm chậm bơi.
Thỉnh thoảng bà dừng lại và ngó chúng tôi. Cuối cùng, bà bơi lại gần khi thấy tôi đang quát em mình, cố gắng thuyết phục nó hãy bơi thử, và em tôi hét lên: "Nhưng em sợ lắm!! Em sợ lắm!!".
Bà lão nhìn em gái tôi, nắm chặt cánh tay của nó và nói, "Ok, con cứ sợ! Rồi sợ xong thì làm đi!".
Câu chuyện này đã diễn ra 35 năm trước, nhưng tôi chưa bao giờ quên nó. Nhờ nó mà tôi ngộ ra rằng: Vấn đề không phải là sợ hãi, vì ai cũng sợ như mình thôi. Vấn đề là cảm thấy sợ hãi và kệ nó, vẫn cứ tiếp tục làm.