Hạnh phúc là quả ngọt của thiện tâm

Cách nay 3 tuần, đọc những lời kêu gọi hãy cứu lấy một cô gái 19 tuổi hôn mê trong bạo bệnh trên Facebook, tôi thấy vô cùng thương xót.

Nhà rất nghèo nhưng em cần được lọc máu gấp và gia đình không có được một phần mười số tiền cho việc đó. Bạn bè em đã lên Facebook kêu gọi sự giúp đỡ từ trường đại học đến bạn bè thân quen, với hình ảnh em nằm mê man, kề cận cái chết. Bạn bè em để lại số tài khoản ngân hàng của gia đình để những người hảo tâm tiện giúp đỡ. Nhìn cô gái tuổi thanh xuân lâm vào tình cảnh như thế, nhiều người đã sẵn sàng chuyển tiền để giúp đỡ.

10 ngày sau, cô gái tỉnh lại, ăn uống được và cảm nhận được cuộc sống đã mỉm cười với mình như thế nào. Những người từng cảm thương trước sự bất hạnh của em trước đó, từng mở lòng giúp em đều cảm thấy vui khi nhìn em dần hồi phục qua tấm hình bạn bè chụp em ngồi trên giường bệnh.

Và thật bất ngờ, cùng với lời cảm ơn cũng được đăng trên Facebook, gia đình em cho biết em đã qua cơn thập tử nhất sinh nhờ sự giúp đỡ kịp thời của những mạnh thường quân và hiện nay số tiền chưa sử dụng còn đến hơn 200 triệu đồng. Dù em gái chưa thể rời khỏi giường bệnh, cần chi phí đi học đại học, và số tiền đó vô cùng quý giá đối với một gia đình nghèo ở nông thôn, nhưng gia đình và em vẫn quyết định dùng số tiền đó lập một quỹ hỗ trợ các bệnh nhân nghèo khác. Quỹ đặt dưới sự giám sát của những người có uy tín và bắt đầu đến với những số phận không may khác.

Khi đọc những thông tin này, một Phật tử nói rằng giống như được uống một "giọt nước cam lồ" giữa cuộc sống còn tồn tại nhiều tội lỗi. Chúng ta tìm kiếm thiên đường ở đâu xa, tìm chân lý ở đâu, chỉ cần có thật nhiều người có tấm lòng thơm thảo như vậy thôi.

Lúc này, chính những người từng âm thầm gửi tiền giúp cô gái lại rưng rưng nói lời cảm ơn em đã cho họ những giây phút thăng hoa trong tình người khi chứng kiến hành động đẹp đến vậy.

Tưởng những chuyện như vậy rất hiếm, nhưng mới đây chúng tôi lại chứng kiến câu chuyện tương tự ở một gia đình người Cơtu có con bị bệnh hiểm nghèo, cũng được các nhà hảo tâm tặng 250 triệu đồng trong vòng một ngày. Cậu bé được cứu sống nhưng mất 2 chân. Người bố thấy con hồi sinh đã như nhận được lời chúc phúc của cuộc sống, anh trao 150 triệu đồng nhờ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chia sẻ cho các bệnh nhi người dân tộc thiểu số cũng đang điều trị bệnh hiểm nghèo.

Rồi chính anh, cứ nghe có người nào nghèo khó, không có tiền chữa bệnh cho con là lập tức đến gặp, gửi tặng vài ba triệu đồng cho đến ngày con họ khỏi bệnh, ra viện. 

"Hạnh phúc là quả ngọt của thiện tâm", nhiều nước trên thế giới cũng có những câu ngạn ngữ tương tự. Tôi cảm nhận được gia đình cô gái nói trên có cuộc sống tuy thiếu thốn nhưng hạnh phúc do thiện tâm họ tạo ra.

Đó chính là phúc đức họ tích cóp, và khi con gái họ lâm bạo bệnh, cận kề cái chết, phúc đức đó tỏa ra, lay động lòng người và nhiều người đã chìa tay cứu em kịp thời.

Tôi không biết ở ngôi làng Cơtu nhỏ bé và đơn sơ kia, người bố có cậu con trai mắc bệnh hiểm nghèo mỗi ngày kiếm được bao nhiêu tiền với nương rẫy, nhưng biết chắc khi gia đình anh gặp hoạn nạn, xã hội đã giúp anh. Điều đó gần giống một phép màu của Giàng giúp cha con anh, và anh hiểu được giá trị của phép màu đó, muốn nhân nó lên, lan tỏa sang những gia đình khác bằng cách chia sẻ hết những đồng tiền mình nhận được từ các nhà hảo tâm. Đây cũng là hành động tích phúc tự nhiên, không toan tính và hy vọng xã hội sẽ ngày càng có nhiều người biết tích phúc để có cuộc sống hạnh phúc đích thực.


  • 10/10/2017 04:20
  • Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn
  • 2309