Người bị bệnh, nằm ở bệnh viện lớn với phòng ốc và chế độ chăm sóc tiện nghi không chỉ dành riêng cho người bệnh mà cả với người nuôi bệnh. Thế nhưng, ước muốn cháy bỏng và thường trực của họ là được bác sĩ cho về nhà, cho dù điều kiện chăm sóc (thuốc, thiết bị y tế) sẽ không được như ở bệnh viện.
Cái mong muốn về nhà còn bao hàm việc được khỏi bệnh hay thậm chí bệnh đã… hết thuốc chữa thì càng muốn trở về nhà. Nhiều người chăm bệnh, luôn gặp đòi hỏi này của người bệnh, nhiều khi phát… bực mình vì đâu phải muốn về thì được về?
Ông cụ chín mươi tuổi, đã lẫn, nằm viện trong tình trạng bị té gãy chân và kèm theo một số chứng bệnh khác của tuổi già. Các con ông, người lớn tuổi nhất đã gần bảy mươi, vì các cháu nội ngoại của ông đa phần đi học nước ngoài, đi làm xa nên họ phải thay phiên vào chăm.
Câu nói thường trực mà các con ông… chịu đựng ở cụ là: “Các ông, các bà ơi, tôi cắn cỏ lạy các ông, các bà làm ơn đưa tôi về nhà. Cho tôi về với cha tôi. Làng tôi có cây đa ở cổng làng. Có cái quán bán nước chè. Lâu lắm rồi tôi không gặp cha tôi. Không biết bây giờ ông ấy có nhận ra tôi. Cho tôi về ngay đi, các ông, các bà đừng ác với tôi nữa”.
Nghe mà ứa nước mắt!
Con cái lớn lên, đi học xa, lập gia đình, sinh con ở thành phố. Người mẹ ở nhà rảnh rang thế là được con “nhờ” vào tiếp lửa. Cháu có bà ngoại chăm là nhất hạng và con gái cũng an tâm đi làm. Ngày trôi qua, cháu quen hơi bà, con quen có mẹ lo toan, lại thêm cuộc sống bận rộn chẳng ai quan tâm đến mẹ có muốn về nhà hay không. Nhiều lúc con còn nghĩ, mẹ ở đây tốt chán, về nhà làm gì…
Trong khi đó, người mẹ nghĩ sao? Ngủ ở nhà con lắm khi thức dậy không biết mình đang ở đâu. Định thần một lúc mới nhớ không phải nhà mình. Lại nghĩ, nhà cửa ở quê ông chồng có dọn dẹp quét tước mỗi ngày không?
Một mình ổng ở nhà, lo cho thân ổng không đói, đêm ngủ không gió máy, ngày đi không vấp té… là tốt rồi, đòi hỏi chi ổng chuyện chăm sóc cái nhà. Một cảnh hai quê, lúc nào cũng đau đáu trở về nhà.
Tâm trạng giằng co là có thật, khi về nhà thì nghĩ đến cháu ngoại cần bà, vợ chồng con gái cần mẹ coi trong ngó ngoài, nấu giúp bữa cơm. Không có bà, cháu lôi thôi đi gửi, vợ chồng trẻ vội vàng cơm hộp, chiều về loay hoay đến tối mịt vẫn chưa có bữa cơm.
Vậy là khăn gói vào với con, với cháu. Để rồi, tiếp tục cái tâm trạng mong ngóng được về nhà.
Một ông kể chuyện, thời trẻ, quậy tưng. Một bà vợ, đèo bòng thêm hai, rồi ba. Đến khi sa cơ, hoạn nạn, vướng vòng lao lý. Ngày được tự do, đắn đo mãi trên tờ giấy khai địa chỉ nhà vợ chính thức dù bao nhiêu năm phụ rẫy bà ấy, bởi không biết các bà kia có vui lòng đón nhận ông không.
Họ còn trẻ, chắc gì đã biết nghĩ chờ đợi một người sa cơ lỡ vận, phải làm lại từ đầu. Ngày xưa đến với họ túi rủng rỉnh tiền bạc, giờ tay trắng chỉ biết nương nhờ lòng bao dung của người mình đã từng bội bạc. Phải chăng lá rụng về cội còn thêm ý nghĩa này?
Mới thấy, con người luôn mâu thuẫn ở chỗ, cái nơi êm ấm nhất là nơi mà người ta luôn muốn rời bỏ nó để ra đi. Cuối cùng, hết con đường dài, nhìn lại, nhớ về ngày thơ ấu, quay quắt cái nơi mà một thời có khi mình ghét thậm tệ, thậm chí cả việc từ bỏ.
Về nhà, đôi khi chỉ là một tâm trạng, một ước muốn, nhưng đôi lúc luôn cháy bỏng. Nôn nao nhất là những khi đường đời hẹp lối!