Xuân quê

Tôi nhớ như in mùa lạnh mỗi cuối năm. Trời còn tối mịt, đã nghe tiếng chân người lẹt xẹt, tiếng tát nước ì ọp…của người thăm đồng sớm.

Họ chăm chút đám dưa, tỉa tót đám cà, những dãy bông cúc, vạn thọ… mong kiếm chút đỉnh cho ba ngày Tết. Đâu đó bốc lên nhè nhẹ đám khói lam nhạt. Các má, các chị nấu cơm cho các ông, các anh đi làm đồng. Ở trong đồng sâu, thường thì người ta kê ba cục gạch để nấu nướng hay dùng cái cà-ràng nhằm tận dụng cây khô, lá rụng trong vườn, trên ruộng. Xế chiều các đống lửa to được đốt lên đuổi muỗi và làm chút gì đó sơ sơ để lai rai. 

Hồi nhỏ, những buổi trưa hoặc chạng vạng. Ba tôi thường ủ rơm quanh mấy con cá lóc, có khi là cá trê. Mấy chị ra hè rửa mớ rau biền hái hồi sớm. Mẹ đâm nước mắm tỏi ớt. Anh em tôi dọn chén, bày bánh tráng, bún, giá sống… rồi tụm lại chờ cá chín.

Mùi rơm cháy, mùi cá nướng thơm lừng làm nước miếng ứa đầy chân răng. Nhỏ em gái tôi hay giành chỗ với tôi hoặc anh chị lớn, đôi khi cãi nhau ỏm tỏi khiến mẹ tôi rút cây roi trên giàn bếp xuống cả đám mới thin thít ngồi im.

Thỉnh thoảng, tôi lén ba thảy vào lửa con cua đồng, con ốc đôi khi cả… thằn lằn và sâu róm nữa. Mấy chị cứ nói tôi ác, sát sanh sẽ mang tội nhiều kiếp. Tôi làm lơ, tội gì cũng kệ, miễn đám vịt và mấy con gà yêu quí của tôi được bữa tiệc nướng thịnh soạn là được rồi.

Ngồi vừa nghịch lửa, vừa hơ tay. Cái cảm giác ấm nóng thật là lạ, da mặt ai cũng đo đỏ, có điều quần áo, đầu tóc sẽ oi khói suốt ngày. Lâu lâu, trong đám than hừng hực lại nổ lốp bốp bắn những vệt lửa dài như pháo bông trên ti vi làm cả đám ré lên.

Ba tôi ngồi nướng cá. Ông nấu ăn khéo có tiếng. Cá chín, ông cời tro, gạt than, rút cây tre xiên cá lên, bỏ mấy con cá nướng trên tàu lá chuối mà anh tôi vừa đem ngoài vườn vào, cạo cho sạch bụi than trên da cá. Ông dùng đũa rẽ cá ra làm hai. Hơi nóng mang mùi thơm ngòn ngọt từ mấy con cá nướng quyện với mùi nước mắm, thoảng mùi rau thơm làm ai cũng cồn cào trong  bụng.

Trời sụp tối. Trong nhà đốt ngọn đèn dầu hôi cháy tù mù. Chỉ khi nào học bài, ba mới đốt cây đèn măng –xông cho cả lũ xúm xít học. Ánh đèn hắt cái bóng của cha lờ mờ trên vách. Có lúc tôi ra sau nhà, nhìn lên phía thị xã thấy quầng sáng điện hắt lên trời mà thèm. Lúc đó tôi thầm nhủ mình sẽ đi làm điện lực đem điện về cho cha, mẹ và bà con lối xóm. Khi tôi nói ra ý nghĩ này mấy anh chị cứ ghẹo tôi, chỉ có ba cười hiền: "Thì bây ráng học đi. Tía và má bây ráng sống chờ bây kéo điện về." Tôi ngả đầu vào tấm lưng to rộng đầy mùi khói và mồ hôi của ba rồi thiếp ngủ lúc nào không biết.

Tối trời, người trong xóm cũng hay thả bộ ra rìa lộ ngồi nói dóc. Ngoài lộ, có khi xe đò, xe tải, xe máy cày… chạy ngang chở đầy người ồn ào cũng vui. Mọi người tụm năm tụm ba, nói chuyện nhà cửa, mùa màng, đất đai. Đôi khi, ba tôi và mấy chú ngồi uống rượu, cái ly xây-chừng sóng sánh rượu chuyền tay nhau, mọi người chuyện trò rôm rả, thân tình hơn.

Mấy đống lửa được đốt vội ven đường để nướng khô và đuổi muỗi. Đám khói không chịu bay lên trời mà ở quẩn trên cánh đồng thênh thang. Tiếng nói chuyện rủ rỉ của mấy cô, tiếng cười rổn rảng của mấy anh, tiếng đùa giỡn í ới của đám trẻ… lẫn trong tiếng tàn lửa nổ lép bép. Thỉnh thoảng, gió xuân nô đùa vi vút làm đám lá xạc xào. Đêm xuống trên đồng thật nhanh theo tiếng kêu của đám ễnh ương và của bầy chim về tổ trễ.

Chiều nay, khi cùng đồng đội kéo quân đi phóng tuyến trồng trụ ở một tỉnh miền tây, tôi có cảm giác như mình đang kéo dây, mang điện về xóm nhỏ. Trong gió xuân văng vẳng một câu vọng cổ ngọt ngào...


  • 06/02/2017 10:25
  • Võ Tấn Cường
  • 1357