Tết Đinh Dậu tản mạn chuyện gà

Theo thứ tự của 10 thiên can và 12 địa chi, năm 2017 là năm can Đinh và chi Dậu tức là năm Đinh Dậu, cầm tinh con gà. Nói đến con gà thì người Á Đông nhất là ở Việt Nam có nhiều chuyện “cà kê dê ngỗng” lắm.

Hình minh họa

Nếu để ý trong lịch sử, năm con gà qua các thế kỷ đều có những cải cách sâu sắc về kinh tế. Đơn cử, cách đây 180 năm, năm Đinh Dậu 1837, Nhà Nguyễn ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và bảo vệ giá trị lưu thông của tiền tệ, vàng bạc. Cũng năm này, triều đình cho thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia Đông Nam Á và một số nước phương Tây. Chúng ta hy vọng năm Đinh Dậu 2017 này đất nước ta sẽ chuyển biến mạnh mẽ hơn trong đổi mới.

Còn bây giờ trước thềm xuân Đinh Dậu ngày rộng tháng dài, ta nói chuyện gà, gà ở Việt Nam thôi. Phải công nhận trong các loại gia cầm thì con gà gắn bó với con người mật thiết nhất. Ngủ dậy chúng ta đón bình minh với tiếng gà. “Gà vừa gáy trời mai còn ẩm ướt/ Đường trong thôn rầm rập bước chân đi…” Không chỉ báo thức, người nông dân còn nhìn lên bầu trời để đoán thời tiết: “Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa”.

Từ văn học dân gian đến văn chương bác học đều có âm thanh của tiếng gà. Tôi có một phát hiện thú vị là Nguyễn Du đã phân đoạn 15 năm cuộc đời lưu lạc của Thúy Kiều bằng 4 tiếng gà khác nhau: Tiếng gà nghe đã gáy sôi mé tường” khi Thúy Kiều bắt đầu lâm nạn. Tiếng gà mà đã "gáy sôi" thì nỗi lòng nàng Kiều quặn đau biết nhường nào!

Khi Thuý Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích: “Tiếng gà xao xác gáy mau”. Lúc Thuý Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư, tiếng gà trở nên hiền hoà: "Mịt mù dặm cát đồi cây, Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương". Rồi gặp lại Kim Trọng, kết thúc "đoạn trường" của một phận má hồng tiếng gà lúc này khác hẳn: “Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông”.

Tiếng gà trong văn học cận đại cũng nhiều cung bậc: Với Lưu Trọng Lư: “Mỗi lần nắng mới hắt bên sông/ Xao xác gà trưa gáy não nùng/ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng, Chập chờn sống lại những ngày không”. Còn Hoàng Cầm đã thể hiện nỗi lòng: "Bên kia sông Đuống/ Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp".

Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh con gà càng gần gũi với những ẩn ý sâu xa, sắc sảo: “Con gà tức nhau tiếng gáy” - một tâm lý ganh tỵ lấy con gà thể hiện, hoặc “Khôn ngoan đối đáp người ngoài – Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, chẳng những đấu đá ganh tỵ nhau bằng võ gà ( Hùng kê quyền) mà còn: “Cõng rắn cắn gà nhà”, gây ra cảnh nồi da xáo thịt để rồi “Gà què ăn quẩn cối xay”. Nhắc nhở người qua loa đại khái “Trông gà hóa cuốc”, duyệt văn bản mà không đọc kỹ nội dung nên phải chịu “Bút sa gà chết”,...

Nói đến con gà mà chỉ nói văn chương thôi thì phí quá! Con gà có vai trò lớn trong ẩm thực! Có đến 72 loại thức ăn liên quan chính đến con gà, đơn giản như cháo gà, xôi gà đến gà xối mỡ, gà rô-ti, phức tạp hơn thì có ca-ri gà, gà hầm, gà ác tiềm thuốc bắc, gà rút xương… Kinh nghiệp trong dân gian: “Cơm chín tới, Cải ngồng non, Gái một con, Gà mái ghẹ”. 

Cuối cùng, con gà có liên quan gì đến Thanh tra không nhỉ? Có người vào quán ăn: - Cho tôi một tô Thanh tra!. Người chủ quán ngơ ngác hỏi: - Làm gì có món Thanh tra? - Chân gà ấy mà!. Thì ra, người ta ví von thanh tra là... bươi móc như chân con gà! Nhưng, nếu "bươi móc" để tìm ra sự thật, để làm sáng tỏ vụ việc thì việc bươi móc đúng pháp luật là quá cần thiết cho xã hội. Xin Quý cán bộ Thanh tra các ngành đừng tự ái, mà phải tự hào về công tác của mình!


  • 24/01/2017 03:37
  • Văn Thuận
  • 2890