Vết nứt trên chiếc thùng gánh nước

Xưa kia, có người nông dân nọ gánh nước bằng 2 cái thùng gỗ lớn. Theo thời gian, một trong hai cái bị nứt, vì vậy ông gánh nước từ giếng về đến nhà chỉ còn một nửa.

Cái thùng còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn cái bị nứt luôn cắn rứt vì không hoàn thành nhiệm vụ. Một ngày nọ, cái thùng nứt nói với người chủ:

– Tôi thật xấu hổ về mình. Tôi muốn xin lỗi ông!

– Ngươi xấu hổ về chuyện gì?

– Chỉ vì lỗi của tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức của ông.

– Không đâu, khi đi về ngươi hãy chú ý đến những luống hoa bên vệ đường - người chủ từ tốn trả lời.

Quả thật, dọc theo vệ đường là những luống hoa rực rỡ. Cái thùng nứt cảm thấy vui vẻ phần nào, nhưng rồi, về đến nhà, nó vẫn chỉ còn phân nửa nước nên lại ray rứt:

– Tôi xin lỗi ông…

– Ngươi không chú ý rằng hoa chỉ mọc bên phía đường của ngươi thôi sao? Ta đã biết được vết nứt của ngươi và đã tận dụng nó. Ta gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phía bên ngươi và ngươi đã tưới cho chúng. Ta hái những bông hoa đó để trang hoàng căn nhà. Nếu không có ngươi, nhà ta sẽ không ấm cúng và duyên dáng như thế này đâu.

Lời bàn:

Nếu chúng ta là cái thùng nứt thì hãy tận dụng vết nứt của mình. Người xưa thường nói: “Dụng nhân như dụng mộc”, nghĩa là người thợ mộc tận dụng tất cả các loại gỗ lớn/nhỏ, tốt/xấu để làm nên những vật dụng, chi tiết khác nhau. Cách dùng người cũng phải biết đặc điểm của từng cá nhân mà phân công lao động hợp lý nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Người gánh nước trong câu chuyện, khi chưa đủ điều kiện để khắc phục hoặc thay thế cái thùng nứt thì đã khai thác khía cạnh hữu ích của vết nứt, hơn là bực bội, thất vọng về nó. Quan trọng hơn chính là thái độ của cái thùng nứt. Trong cuộc sống, “nhân vô thập toàn”, không ai là người hoàn hảo. Ai cũng có thể là "cái thùng nứt", vì vậy, đừng tự ti hay mặc cảm về “vết nứt” của mình, nó cũng như hai mặt trước và sau của tấm huy chương. 


  • 01/11/2016 08:28
  • Sưu tầm
  • 1843