Thông thường việc làm ăn có phát đạt hay không phụ thuộc vào “địa thế” kinh doanh. Cùng một mặt hàng nhưng địa điểm khác nhau thì lợi nhuận có thể chênh lệch vài lần, thậm chí vài chục lần. Ông chủ của hệ thống cửa hàng ăn nhanh KFC và McDonald’s đã chia sẻ, một trong những điều làm nên thành công của họ chính là chọn đúng địa điểm mở cửa hàng. Nhưng cùng một địa điểm, cùng một mặt hàng kinh doanh mà tại sao có người kiếm bộn tiền còn có người ngậm ngùi chịu lỗ?
Lý vốn là nhân viên đường sắt nhưng vì sức khỏe không tốt nên đã xin nghỉ một thời gian. Đúng thời điểm ấy, bên Cục Đường sắt thông báo cho thuê mặt tiền kinh doanh ở nhà ga, do là nhân viên nên giá cả nếu thuê sẽ mềm hơn bên ngoài một chút. Lý cũng đã tìm hiểu, những kiot này trước thường dùng làm nơi lưu giữ hành lý cho khách, siêu thị hay tiệm ăn nhỏ. Những người thầu trước đây, chẳng ai bị lỗ cả, chỉ có điều công việc khá vất vả, có người phải trông cửa tiệm suốt ngày đêm.
Bản thân Lý ko ước mơ cao sang, thấy mình đủ sức khỏe để trông cửa hàng. Thu nhập mỗi năm có thể không cao nhưng cũng còn hơn làm nhân viên quèn. Tham gia dự thầu, cuối cùng Lý thầu được một kiot có vị trí không tốt lắm, đúng ở lối vào ga của xe bus chứ không phải tàu hỏa, diện tích cũng chỉ 10m2 mà thôi. Do không có kinh nghiệm, Lý đã nhờ Đại, anh trai từng lăn lộn nhiều năm trên thương trường vạch chiến lược kinh doanh. Đại rất nhiệt tình, dành hẳn 1 tuần để khảo sát tình hình. Sau cùng, anh ta khuyên Lý hãy mở cửa hàng bánh nướng trong chuỗi cửa hàng A Lang.
Lý cảm thấy khó hiểu vì sao Đại lại chọn hình thức kinh doanh này thì Đại giải thích rằng: “Việc làm ăn nhìn có vẻ phức tạp có rất nhiều cách khác nhau nhưng cốt lõi vẫn là đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và đáp ứng một cách tốt nhất thì việc kinh doanh ắt hẳn thành công. Anh sẽ phân tích cụ thể hơn về cửa tiệm của chú: Những cửa hàng ở nhà ga mở ra đều nhằm phục vụ hành khách lên xuống tàu xe, chứ không có người dân bản địa nào đến đây mua hàng cả”.
Lý cười nói: “Điều đó thì đương nhiên rồi, hàng hóa bán gần ga tàu thường đắt hơn nhiều so với ở ngoài, ai rỗi hơi chạy đến đây mua đồ chứ”.
Đại nói tiếp: “Hành khách trên tàu phải đi xa, thời gian dừng ở ga lại không nhiều nên thường chỉ có những nhu cầu cơ bản, chẳng ai có tâm trạng thưởng thức những đặc sản địa phương ở nhà ga đâu, đó chính là lý do tại sao ở ga tàu thường bán đồ ăn nhanh, cơm hộp, bánh bao, đồ ăn vặt...”
Đại thấy Lý gật đầu lia lịa bèn nói tiếp: “Chú thấy đấy, nhà ga chỉ thích hợp với một vài loại hình kinh doanh mà thôi. Do đặc điểm về vị trí mà cửa hàng nơi nào phải bán mặt hàng phù hợp với nơi đó. Mà tiệm của chú lại cách cửa ra vào ga hơi xa nên không thể làm nơi trông giữ hành lý được. Chẳng ai muốn gửi hành lý ở xa cả. Hơn nữa diện tích cửa tiệm cũng không lớn đủ để chứa được nhiều đồ. Mở siêu thị mini cũng không thích hợp vì diện tích cửa hàng nhỏ quá, khách hàng thường sợ những cửa tiệm nhỏ sẽ bán đắt, bắt chẹt khách mà chất lượng lại không đảm bảo. Ở đây xa cổng ga, khách phải tay xách nách mang, họ sẽ muốn mua ở những cửa hàng gần cửa ga hơn. Vậy nên, chú chỉ có thể mở tiệm ăn thôi. Những tiệm ăn xung quanh đây chỉ bán những món bình thường, nên mới gợi ý chú bán bánh nướng cho khác biệt”.
Lý nghe phân tích mà không khỏi nể phục trong lòng. Đến chỗ mấu chốt, Đại im lặng một lúc rồi hỏi: “Chú có biết vì sao tôi không khuyên chú mở cửa hàng đồ ăn nhanh, cơm bình dân hay bánh bao không?”
Lý ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Đó là vì anh thấy xung quanh đây đã có cửa hàng bán những thứ ấy, sợ em không có gì đặc biệt, không làm ăn được nên mới khuyên em bán thứ mà người khác không có”.
Đại cười: “Chú nói không sai, chỉ có điều đó không phải mấu chốt. Cho dù ở đây chưa có hàng bán bánh bao thì tôi cũng vẫn khuyên chú bán bánh nướng”.
Lý thấy hơi bối rối, Đại chậm rãi: “Chúng ta quay trở lại phân tích yêu cầu then chốt của khách hàng ban nãy nhé, hành khách ăn uống ở ga chỉ là để no bụng mà thôi. Vậy thì chúng ta phải bán mặt hàng nào đó có giá cả phải chăng, vừa có thể no bụng lại vừa thuận tiện, không tốn thời gian lại dễ ăn một chút, đúng không? Nhiều người hiểu được đạo lý đó nên mới kinh doanh mặt hàng ăn uống. Nhưng trong kinh doanh, có một thứ gọi là “Nguyên lý thùng gỗ”. Theo đó, ta coi việc kinh doanh giống như thùng gỗ do nhiều mảnh gỗ ghép lại mà thành. Kinh doanh có thuận lợi hay không, phụ thuộc vào việc chiếc thùng chứa được bao nhiêu nước. Việc chiếc thùng chứa được bao nhiêu nước lại không phụ thuộc vào những tấm gỗ dài mà được quyết định bởi tấm gỗ ngắn nhất. Chú thử nói xem tại sao những tiệm ăn kia không kiếm được nhiều tiền?”
Nhìn dáng vẻ ngây ngô của Lý, Đại không nhịn được nói: “Tấm gỗ ngắn nhất đó chính là yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Những cửa hàng đồ ăn nhanh phương Tây bên cạnh ga tàu luôn tuân thủ tiêu chuẩn vệ sinh nên khách hàng có thể yên tâm đến đó dùng bữa. Trong khi những tiệm ăn nhỏ, nhếch nhác sẽ để lại cho khách hàng ấn tượng không tốt lắm, ngộ nhỡ trên đường đi xa mà bị đau bụng thì biết làm thế nào? Lúc đó ai mà vượt ngàn dặm xa xôi đến đây kiện tụng được? Những cửa hàng đồ ăn cạnh nhà ga đều chỉ quan tâm đến việc bán cho khách qua đường chứ không chú trọng đến việc níu kéo họ quay lại. Chất lượng phục vụ cũng không cao nên khách hàng thường không yên tâm với những tiệm ăn nhỏ. Nếu có thể không ăn là tốt nhất, đói lắm thì mới miễn cưỡng ăn cầm chừng, thế thì làm sao buôn bán có lời được? Đó là nguyên nhân vì sao những tiệm ăn nhỏ bên cạnh nhà ga thường vắng khách và không lãi nhiều. Nhân bánh bao được làm từ thịt gì? Bột mì có bị thiu không? Dầu dùng để nấu ăn là dầu gì? Mỗi người khách khi ăn đều tự đặt ra những câu hỏi này, nếu không tin tưởng lẫn nhau thì sao có thể làm ăn tốt được chứ?”
Lý nghe xong, gãi gãi đầu nói: “Nói như anh thì việc kinh doanh của em không thành sao? Em sẽ chú ý vấn đề vệ sinh, đảm bảo không có hành khách nào đau bụng, vậy được chưa?”
Đại thở dài: “Đó không phải là điều quan trọng chúng ta cần thảo luận bây giờ. Hiện nay, chỉ có những nhà hàng phương Tây và những chuỗi nhà hàng lớn mới có thể giải quyết vấn đề vệ sinh thực phẩm. Còn với những tiệm ăn nhỏ như của chú, cả đời khách hàng chỉ đến 1, 2 lần. Trong một thời gian ngắn như vậy, chú căn bản không thể xây dựng lòng tin với họ. Tiệm ăn nhỏ lời lãi chỉ được vài đồng, nhiều hơn thì vài chục đồng, thế thì sao đủ đầu tư xây dựng thương hiệu? Mở tiệm bánh nướng, nguyên liệu rất đơn giản, việc chế biến cũng tiện lợi, khách hàng có thể nhìn thấy cậu làm bánh như thế nào. Từ đó, họ sẽ yên tâm hơn nhiều về vấn đề vệ sinh, như vậy đã đáp ứng được “nguyên lý thùng gỗ”.
Hơn nữa, bánh nướng là món khá quen thuộc, rất nhiều người ăn được. Giá cả vừa phải, một người bình thường chỉ ăn đến 2 cái là no. Thời gian làm bánh cũng rất nhanh nên khách hàng không phải chờ lâu. Những khách hàng đang vội có thể cầm tay vừa đi vừa ăn rất thuận tiện. Ngoài ra, nhãn hiệu A Lang là chuỗi cửa hàng đã mở ở rất nhiều nơi rồi nên người ta chỉ cần nhìn biển hiệu là biết ngay chú bán thứ gì, mùi vị và giá cả ra sao. Có thể tránh việc khách hàng lựa chọn khi chưa hiểu gì về sản phẩm”.
Thông qua lời giải thích của Đại, Lý đã hiểu ra nhiều điều, không ngờ đằng sau việc kinh doanh còn có một kho kiến thức khổng lồ đến vậy. Sau khi học cách làm bánh, khai trương cửa hàng, Lý thuê thêm 2 thợ phụ nữa. Tất cả đều mặc quần áo đầu bếp màu trắng, đứng sau tấm kính trong suốt khiến khách hàng cũng giảm nỗi lo về vệ sinh an toàn. Mỗi ngày, tiệm bánh của anh bán được hơn nghìn chiếc, lợi nhuận của các tiệm có vị trí tốt hơn còn kém xa. Dần dầu, sau khi nắm được cách thức kinh doanh, anh còn bán thêm nước khoáng, nước ngọt, sữa đậu nành,..., việc kinh doanh ngày càng phát đạt.
* Trích nội dung trong cuốn “ Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ”, tác giả Lão Mạc.