Cha mẹ thương con bao nhiêu cho đủ?

Có thể chúng ta yêu thương con không hề chờ đợi được đáp trả nhưng đừng vô ý biến con mình thành những đứa trẻ hời hợt của mai này...

Ở phòng chờ sân bay, tôi gặp bà mẹ kia đang cho hai đứa con ăn trái măng cụt. Chắc do không có sẵn dao nên chị dùng tay bóp vỡ từng quả, rồi mới đưa cho đứa con gái lớn. Còn đứa nhỏ, chị cẩn thận gỡ đút cho nó từng múi be bé. Thằng nhóc chắc khoảng chừng tám tuổi, bự con, khỏe mạnh, trong cơn thèm ăn đã giựt trái măng trên tay mẹ nó, tự xử. Gặp múi to, nó nhai quấy quá rồi nhả ra, chê hột.

Bà mẹ trạc bốn mươi tiếc của, ăn tiếp phần đó. Đứa con gái thì đã cao gần bằng mẹ, ỏng eo kêu chua, ăn rất chậm. Bà mẹ vừa dỗ dành vừa càu nhàu, đại ý, cái gì cũng không biết ăn, rau trái mới tốt cho sức khỏe, món này mắc tiền chứ có rẻ rúng gì đâu cơ chứ. Đến khổ với con... Miệng nói, tay chị thi thoảng lại rút khăn giấy ra để lau miệng cho đứa nhỏ, chùi tay cho đứa lớn.

Mãi rồi bữa trái cây cũng xong. Thằng nhóc đòi đi rửa tay nhưng nhất định đòi mẹ phải dẫn đi mới chịu. Chị phụ nữ đành nhắc đứa lớn trông chừng hành lý để đưa con ra nhà vệ sinh gần đấy. Con gái chị khó chịu bảo, mẹ đi nhanh nghen, con không giữ đồ lâu được đâu.

Nó nói xong thì tiếp tục chăm chú vào cái điện thoại cầm trên tay. Dưới chân, bịch vỏ măng cụt vẫn nằm chỏng chơ chưa được dọn bỏ. Mẹ của hai đứa trẻ, sau khi lo xong cho thằng nhóc, mới có thời gian để mắt tới thùng rác...

Bắt gặp cái nhìn lạ lẫm của tôi, chị nói như thanh minh: Ôi tụi nó có lớn mà chẳng có khôn, vụng lắm, mà để cho chúng đụng vào còn vương vãi hơn. Hơn nữa, để cho con nít làm cũng thấy tội nó nữa, thôi thì mình cố chút cho xong.

Chị làm tôi nhớ tới một đồng nghiệp, có hai cậu con trai sinh đôi đã mười sáu tuổi. Dịp cơ quan đi du lịch, chị dắt con theo cùng. Hai đứa hồn nhiên vung vẩy đi tay không trong khi mẹ chúng khệ nệ với túi lớn túi nhỏ. Tới khi có người nhắc, con chị mới miễn cưỡng phụ đỡ mẹ, trong thái độ không mấy thoải mái của cả ba mẹ con. Bởi chị vừa ngại con bị “thiên hạ” chê cười, vừa xót con phải “làm lụng” vất vả trong khi bấy lâu chúng chỉ cần lo tròn việc học là đã quá nhọc nhằn rồi!

Bạn có để ý rằng, khi con còn nhỏ xíu, mua cho nó cây xúc xích hay xâu cá viên chiên, con có mời hay rủ mẹ ăn cùng không? Khi con bạn đi học về, than đói, sà vào mâm, có nhớ thắc mắc là ba mẹ đã ăn hay chưa chăng? Lần gần nhất con bạn giành lấy việc gì đó kèm câu “để con làm cho” là khi nào, hay chưa từng xảy ra trong... lịch sử?!

Tôi thấy nhiều đứa trẻ chỉ biết nhận, coi việc được cha mẹ lo cho mình là đương nhiên. Khi bạn ngày nào cũng cho kẹo ai đó, họ sẽ ít biết ghi nhận lắm. Nhưng chỉ cần có một ngày bạn chẳng có kẹo để cho, thì coi như bạn sẽ được... ghét bỏ, giận dỗi như tội đồ đấy. Chân lý đó, thật không phải nhiều bậc cha mẹ giật mình mà nhận ra trước khi quá muộn màng đâu...

Thời buổi nào mà còn có bậc cha mẹ “ngớ ngẩn” dạy con thờ ơ vô tâm kiểu ấy nữa? Xin thưa, là vẫn còn nhiều lắm. Thậm chí, con cái bây giờ còn thản nhiên ngồi tại chỗ mà “nhờ” bố hay mẹ... rót nước lấy tăm giùm mình nữa kìa.

Cảnh cậu con trai đã ở độ tuổi trưởng thành, to xác nhưng ngồi trên xe được mẹ dắt đi qua con đường ngập nước một dạo râm ran trên mạng, hẳn bạn chưa quên, phải không nào? Đấy là một thực trạng có thật khi mấy ông bố bà mẹ chỉ sợ con mình bị đau, bị ướt, bị khổ cực, bị vất vả... mà quên mất chính các ông bố bà mẹ mới đang tự làm khó cho mình và thương con không phải cách đấy thôi.

Làm sao bây giờ? Xin hãy để con bạn tự lo, hãy thương chính bản thân mình nhiều hơn, cũng chính là thương lấy tương lai mai này của con trẻ. Đừng chăm chăm bao bọc phục vụ nó mãi. Ngay cả bản thân mà bọn nhóc còn không tự lo được thì mai này, chúng còn có thể yêu thương chăm sóc cho ai khác trên đời?

Con cái người nào cũng thương, điều ấy không cần bàn cãi, nhưng chúng ta cũng không có cả cuộc đời để chạy theo “hầu hạ” con mãi được. Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhỏ nhặt như sai chúng làm cho mình cái này cái nọ, phân việc cụ thể cho từng đứa. Tôi nhớ dịp người giúp việc nhà mình nghỉ về quê, cảnh nhà tưởng đâu nháo nhác liền.

Thế nhưng, tôi đã mạnh dạn giao cho con gái lớn việc rửa chén, vo gạo bắc nồi cơm, luộc rau và thịt. Con trai lau bàn, dọn bàn ghế và chén bát cho bữa ăn. Lau nhà bằng bộ chổi “thông minh”. Hơi lọng cọng chút nhưng chúng đều làm được hết, thậm chí còn rất vui khi được mẹ cho lao động.

Hãy than mệt. Than vất vả. Than mình không nhận được sự giúp đỡ nào của người thân. Hãy nhắc con ôm mẹ. Hãy... kể công một cách hợp lý. Hãy để cho con biết, chúng là thành viên của gia đình, không phải là... ông chủ bà chủ để luôn đòi hỏi được phục vụ.

Tình yêu thương cũng cần hai chiều. Có thể chúng ta yêu thương con không hề chờ đợi được đáp trả nhưng đừng vô ý biến con mình thành những đứa trẻ hời hợt của mai này...


  • 04/06/2017 10:34
  • Nguồn: thanhnien.vn
  • 2288