Hướng dẫn bà con sử dụng thiết bị chiếu sáng |
Thăm thẳm rừng xa
Gần nửa ngày đường từ TP Đông Hà lên đến xã Hướng Sơn, xe dừng lại ở con đường cụt cuối làng. Khi biết ý định chúng tôi muốn vào bản Trỉa, bản Cát, hai cô giáo dạy ở trường tiểu học ở Hướng Sơn, lắc đầu cảnh báo: “Em khuyên các anh chị đừng đi! Em dạy học ở đó 5 năm, mỗi năm chỉ vào ra vài lần vào mùa nắng. Mưa như thế này đi vào đó chưa chắc lại ra được, có ra thì cũng đến nửa đêm”.
Tìm một nhành cây cứng làm gậy, quần xắn sát gối, áo mưa phủ kín đầu, đoàn người chúng tôi đi về hướng núi. Những con suối trong vắt, nước xanh ngắt đầy cá nhưng buốt lạnh khiến những bàn chân bắt đầu mất dần cảm giác. Không ai nói với nhau lời nào, bởi tất cả phải tập trung nếu không muốn chúi ngã hoặc rơi xuống vực.
Chúng tôi miệt mài đi, sau gần 4 giờ lội bộ, bản Trỉa hiện ra xa xa, nằm lọt trong một thung lũng phủ sương mờ.
Nhà của Bí thư thôn Trỉa, Trần Văn Mạnh, đã kín người dân bản kéo đến. Họ đón chờ sự kiện lớn của làng, chờ ánh điện sẽ bừng sáng lúc 14 giờ 30.
Những gói mì tôm pha vội vã. Nhiều người vừa húp vội bát mì vừa lau những vết máu chảy dài không dứt bởi những bầy vắt đói từ lâu thiếu hơi người.
Nhà ông Mạnh để sẵn chiếc ti vi và đầu thu chờ dòng điện, ông cười rạng rỡ: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến một ngày làng mình có điện lưới Quốc gia. Những năm trước, nhà nào khá giả mua cái tua bin đặt ở suối nhưng chỉ thắp sáng được mấy ngày nắng, điện không ổn định, dùng máy móc hỏng hóc liên tục, có hôm nước lũ cuốn mất, làng tối om”.
Trăm năm ánh điện
Đúng 14 giờ 30 phút, ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Điện lực Khe Sanh cùng một công nhân của mình chính thức đóng điện trong tiếng vỗ tay, hò reo hân hoan của những người dân bản Trỉa. Trong nhà ông Mạnh chiếc ti vi cùng nhiều ánh đèn bật sáng. Những người thợ điện giúp ông dò tìm các kênh truyền hình đang phát sóng. Những đứa trẻ gày gò, tóc vàng hoe, xoăn tít tụm lại bên chiếc ti vi đầy thích thú. Ông Mạnh cười vui: “Lần đầu tiên ban ngày mà dân làng được xem ti vi đấy!”.
Ngồi bên bếp lửa giữa căn nhà sàn bề thế nhất bản Trỉa, già làng Hồ Văn Dàng, miệng vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa nói: “Cảm ơn Đảng – Nhà nước quan tâm đến người dân vùng sâu, vùng xa. Điện về người dân vui lắm! Có cái để nghe, nhìn mà biết các chủ trương chính sách ở trên”.
Vì bản xa lần đầu có điện nên người dân còn rất nhiều bỡ ngỡ. Nhân viên ngành Điện phải ở lại hướng dẫn cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm cho từng nóc nhà. Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Điện lực Khe Sanh chia sẻ rằng để kéo điện về cho hai bản làng xa nhất của Quảng Trị này Nhà nước phải đầu tư hơn 14 tỷ đồng. Tổng cộng có hơn 15 km đường dây trung và hạ thế kéo qua các cánh rừng. Những mảng rừng phòng hộ phải chờ ý kiến của huyện, tỉnh đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng thì mới thi công được. “Nếu tính bài toán kinh tế thì chúng tôi dự tính rằng khoảng 100 năm mới thu hồi vốn. Và việc kéo điện cho bà con ở nơi đây thì là nhiệm vụ chính trị”, ông Thắng tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Thiệp, nhân viên thi công thuộc Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp An Ngãi, cho biết đến khi đóng điện thì mọi người mới thở phào bởi thi công ở vùng xa, núi rừng này quá đỗi trần ai. “Chúng tôi phải làm cả một con đường vào đây, nhưng mùa mưa thì mọi thứ khựng lại vì không thể di chuyển qua dốc đứng hay suối sâu được. Xe máy 1 tuần phải đưa ra thợ sửa chữa một lần vì hoạt động quá công suất”.
Theo chân đoàn công tác vào tận bản Trỉa để chứng kiến cảnh đóng điện, ông Phan Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Điện lực Quảng Trị tâm sự rằng đây là một sự kiện đáng nhớ của ngành Điện và tỉnh Quảng Trị. “Năm 2007, xã cuối cùng của Quảng Trị đã có điện nhưng phải mất đến 9 năm sau bản làng cuối cùng của tỉnh mới phủ được điện lưới. Đường xa, địa hình núi rừng hiểm trở, chia cắt việc đưa được dòng điện phủ kín địa bàn trước 4 năm so với dự kiến (năm 2020) là một nỗ lực lớn của ngành Điện và chính quyền địa phương”.
Sau khi điện bừng sáng tại bản Trỉa, đoàn công tác phải chia đôi để vào bản Cát tiếp tục đóng điện. Chúng tôi vội vã quay về khi bóng chiều đã tắt và mưa bắt đầu nặng hạt. Đoàn người lại lặng lẽ băng rừng dưới ánh đèn mờ mờ của những chiếc điện thoại, mặc cho cơn mưa ướt dầm vai áo và lũ vắt đói đeo bám. Những con rắn lục ban ngày nấp sâu dưới đám lá mục, đã bắt đầu đi ăn đêm bò ngang qua đường lao nhanh xuống vực làm chúng tôi run bắn cả người. Rã rời đến kiệt sức, những bước chân nặng nề lê đi không bằng sức mạnh mà bằng ý chí… và cuối cùng con đường bê tông của xã Hướng Sơn cũng hiện ra trước mặt trong niềm vui không nói được bằng lời.
Bữa cơm tối ở Khe Sanh đã quá 22 giờ đêm. Thành phố Đông Hà đón chúng tôi khi ngày mới đã sang canh. Và chúng tôi chỉ còn đủ sức nói với nhau khi đôi chân như không còn là của mỗi người: “Mình chỉ đi một lần mà sức cùng, lực kiệt. Vậy mà anh em công nhân phải lặn lội, chịu đựng gian khó cả năm trời mới kéo được điện về làng cho bà con thắp sáng. Có đi rồi mới thấy thương anh em ngành Điện. Nhìn những đường dây ngược xuôi lên rừng, ra đảo đem ánh điện cho bà con mà ở đó quyện cả máu, nước mắt và cả những ngổn ngang phận người mới thấy hết nỗi trần ai…”.