Việc phủ kín lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh là một sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ CBCNV ngành Điện. Chúng tôi đã theo chân những người thợ điện đến nhiều thôn, bản nghèo trong tỉnh, những địa danh gần như biệt lập, đi liền với đói nghèo, thiếu thốn. Những địa danh như Áng Hin, Lủng Vai (xã Côn Minh, huyện Na Rì), Nà Ản, Lủng Cà, Cốc Tém (xã Kim Hỷ, huyện Na Rì), Khuổi Kẹn, Kéo Nàng (xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn); Khuổi Luông, Củm Nhá, Phia Khao (xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn), Khau Qua, Đán Mẩy, Nà Phại, Nặm Dài (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể)… Ở đâu cũng được nghe người dân khen ngợi đội quân áo vàng cam ngày đêm cần mẫn nỗ lực thi công dựng cột, lắp trạm điện, kéo dây qua khe suối, rừng sâu, núi cao đưa ánh sáng điện về với người dân.
Đóng điện trạm biến áp Áng Hin.
|
Trước đây, không có điện, đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa muốn mua nồi cơm điện, ti vi về dùng cũng chịu; thông tin chính trị, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất bà con cũng khó tiếp cận, đó cũng là nguyên nhân tỷ lệ đói nghèo ở thôn bản còn cao. Giờ đây, ánh điện đã xua đi cảnh tối tăm, nhân dân hăng hái chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Không những thế, điện còn giải phóng một phần sức lao động cho bà con nhiều hộ gia đình kinh doanh dịch vụ máy xay xát, xưởng xẻ gỗ, máy tẽ hạt ngô… đã khá lên nhờ điện. Cũng từ ngày có điện, có hộ đã mua tủ bảo ôn về để bảo quản thức ăn, làm nước lạnh bán cho bà con trong bản. Công việc mua bán có nhiều thuận lợi, người dân không phải xuống tận xã để mua thực phẩm tươi sống nữa.
Trở lại Khuổi Luông, xã Lãng Ngâm (Ngân Sơn), mặc dù sự kỳ vĩ, nét hoang sơ vẫn như vẹn nguyên nhưng bản Mông nay đã có nhiều đổi mới. Đường lên bản đã được mở rộng, xe máy, ô tô đã có thể đi lại khá dễ dàng. Điều phấn khởi hơn nữa là từ dưới chân núi lên tới đỉnh các ngọn núi cao, những cột điện sừng sững, hiên ngang nối đường dây điện đến thắp sáng cho dân bản.
Bí thư thôn Khuổi Luông, Dương Văn Vạng tâm sự: Thôn ở trên đỉnh núi cao, mùa hè đỡ hơn, mùa đông thì chỉ 18h tối là sương mù dày đặc, cả bản chìm trong bóng tối. Trước kia, mỗi khi đêm xuống, những ánh đèn dầu, đống lửa cũng chẳng xua đi được bóng tối giá lạnh bao trùm, trẻ con đi học về là bỏ sách vở đấy lên giường đi ngủ. Nay có điện, nhà nào cũng sắm vô tuyến, bà con tiếp cận được nhiều thông tin, kiến thức sản xuất tiến bộ, việc học hành của con em cũng thuận lợi nhờ ánh điện thay thế đèn dầu tù mù; nhiều nhà đầu tư mở dịch vụ máy xay xát, mở hàng tạp hoá… đêm xuống cả thôn bừng sáng, cuộc sống quá đỗi đổi thay.
Còn anh Sầm Lâu Vần - Trưởng thôn Áng Hin (xã Côn Minh, huyện Na Rì) phấn khởi cho biết: Từ ngày thôn thông báo nhà nước đầu tư đưa điện lưới Quốc gia đến thôn, mỗi nhà còn được kéo đường dây đến tận nhà, được lắp đặt miễn phí một bảng điện, một bóng đèn thì ai ai cũng vui mừng, ngày nào cũng theo dõi tiến độ xây dựng công trình, thậm chí còn tham gia vận chuyển cột điện, kéo dây hỗ trợ đội thi công. Giờ đây, việc cấp điện cho thôn đã hoàn thành, trạm biến áp nằm cách trung tâm thôn trăm mét. Từ đây, dọc theo hàng cột bê tông, mạng lưới dây điện hạ áp mắc trên những cột bê tông cứ thế tỏa đi khắp nơi, lúc thì thẳng xuống khe, khi thì kéo qua rừng, rồi xuyên qua những nóc nhà chon von trên đỉnh núi… thắp sáng từng nhà cho người dân.
Cùng tâm trạng phấn khởi, cô giáo Ngọc, dạy ở Phân trường Đán Mẩy chia sẻ: Từ lúc có điện, việc soạn giáo án, bài giảng của chúng tôi đã thuận lợi hơn rất nhiều vì dùng được máy tính, máy in. Trước đây, muốn soạn giáo án trên máy tính, cứ phải chờ đến ngày cuối tuần về dưới xuôi có điện mới làm được, nếu không thì thắp đèn dầu soạn tay thôi.
Ông Ngô Văn Gia - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Kạn chia sẻ: “Nếu vì mục đích kinh doanh, thì việc đầu tư lưới điện cho miền núi chịu lỗ to. Tuy nhiên, đầu tư điện miền núi là để thực hiện chủ trương của Đảng, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc… nên công tác đưa điện về thôn, bản vùng sâu càng thêm ý nghĩa, giá trị. Chỉ cần nghĩ đến sự háo hức chờ đợi nguồn điện sáng của bà con cả bản thì mọi gian nan của những người thợ điện chúng tôi đều tan biến”.
Một mùa xuân nữa lại về bên những cây đào đơm hoa khoe sắc. Với nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, xuân này còn ý nghĩa hơn khi ánh điện đã bừng sáng trong mỗi ngôi nhà, mỗi bản làng.